Gói tín dụng 100 nghìn tỷ hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cùng với chính sách căn cơ, chắc chắn sẽ là lực đẩy, tạo cú hích cho những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng- ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, thành viên Liên minh Nông nghiệp trao đổi với Đại Đoàn Kết.
Ông Nguyễn Đức Thành.
PV: Thưa ông, nhà nông đang kỳ vọng rất lớn vào gói tín dụng 100 nghìn tỷ cho NNCNC, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Thành: Có thể nói, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực NNCNC là điều đáng quý giúp hỗ trợ khu vực này về mặt nguồn lực. Tuy nhiên để triển khai nó còn nhiều việc phải làm.
Chẳng hạn, ngân hàng đã dành khoản tín dụng để cho vay nhưng phải xác định rõ nội hàm của khái niệm NNCNC là gì? Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay.
Tuy nhiên, từ bộ tiêu chí này, để triển khai áp dụng cho vay sao cho đến đúng đối tượng lại là cả một chặng đường dài. Đối tượng thụ hưởng chương trình này ngoài doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như được nhắc đến trong các văn bản, thì các đối tượng khác như hộ kinh doanh, trang trại, nông trại, có được vay vốn không?
Chưa kể, một sản phẩm NNCNC, nông nghiệp sạch hiện nay bao gồm rất nhiều công đoạn, nhưng phần lớn chính sách tín dụng triển khai từ trước tới nay mới chú trọng đến khâu sản xuất, còn các đối tượng tham gia khâu nghiên cứu hay phân phối, tiêu thụ sản phẩm,… lại ít được đề cập. Hay nói cách khác, phạm vi cho vay của chương trình chưa rõ là cho vay theo chuỗi, hay chỉ cho vay theo từng công đoạn của sản xuất NNCNC? Rõ ràng, chỉ mỗi việc xác định đối tượng cho vay đã không dễ.
Vậy làm thế nào để các DN, người dân có thể tiếp cận, hấp thụ nguồn vốn này thưa ông?
- Việc tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp hoàn toàn khác so với các lĩnh vực khác như bất động sản, công nghiệp, sản xuất chế biến vì họ có nhà xưởng, kho bãi và các chứng nhận về tài sản rõ ràng để thế chấp.
Lĩnh vực nông nghiệp luôn khó khăn vì thế chấp đất đai, tài sản trên đất khó hơn rất nhiều so khu vực khác. Trong khi đó, với trách nhiệm bảo toàn đồng vốn luôn được các ngân hàng đặt ở mức cao nhất. Trong bối cảnh này, nếu các điều kiện vay vốn không được các ngân hàng “mềm hóa” thì người dân, DN cũng thật khó để tiếp cận.
Vì vậy, đòi hỏi các bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính,… cần chung tay tháo gỡ các “nút thắt” về chính sách để gói tín dụng quý giá này đến đúng, trúng đối tượng tạo lực đẩy, cú hích cho khu vực nông nghiệp. Đặc biệt không thể thiếu vai trò của các hội trong quá trình thực hiện gói tín dụng.
Do đó, chúng ta cần học kinh nghiệm của các nước khác như Bangladesh, Ấn Độ. Ở những nước này vai trò chủ động của các nhóm, hội, hợp tác xã trong việc chứng thực các khoản vay cùng giúp nhau bảo đảm các khoản tín dụng là rất tốt. Tôi nghĩ phải khai thác các yếu tố này để các khoản tín dụng đến tay nông dân các hộ sản xuất, đặc biệt hộ sản xuất nhỏ.
Ý ông là vai trò của các hội, hợp tác xã đối với khu vực nông nghiệp hiện nay còn khá mờ nhạt?
- Đúng vậy. Các tổ chức, hội hiệp, hội có ý nghĩa then chốt với tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhưng đáng tiếc vẫn tổ chức mô hình kiểu cũ, có sự can thiệp sâu của chính quyền TƯ đến địa phương.
Điều này làm mất tình độc lập, tự chủ, tính minh bạch, chính xác công bằng nên vai trò của hội không còn. Chẳng hạn như Nhật, mô hình tổ chức của họ độc lập, rõ vai trò, cho nên họ rất nhạy bén với thị trường.
Còn ở Việt Nam, do vai trò của các hội còn khá mờ nhạt theo đó không bám sát thị trường, khiến nông dân, nhà sản xuất bị ảnh hưởng nhiều. Tôi cho rằng, cần thay đổi trong khuôn khổ luật về hội thì mới hỗ trợ nhà nước về mặt quản lý, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng tăng cường thị trường cho chính mình. Các hội đóng vai trò cầu nối then chốt là như vậy.
Quá nhiều vướng mắc trong triển khai gói tín dụng cho NNCNC, vậy chúng ta có kỳ vọng rằng, ngành nông nghiệp sẽ có bước đột phá nếu vốn đến tay DN và nông dân?
- Tôi đã khẳng định ở trên, chúng ta sẵn sàng lượng tín dụng lớn như vậy là điều đáng quý cho nông nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào nguồn vốn là chưa đủ. Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tạo được thị trường cho nông dân, khu vực nông nghiệp thì nhu cầu về tín dụng tăng lên.
Lúc đó người ta mới sử dụng tín dụng có hiệu quả. Chứ nếu chúng ta chỉ đẩy tín dụng vào với giá rẻ có thể có nguy cơ luồng tín dụng đó không đến được những điểm hiệu quả.
Vậy theo ông cần có bước đi chiến lược nào để tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo lực hút kéo DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp?
- Nếu thực sự sản phẩm có chất lượng thì đầu ra tốt. Có thị trường ổn định tự hệ thống DN họ sẽ đầu tư, phối hợp với bà con nông dân. Điều này chúng ta còn gặp nhiều khó khăn do kiểm soát chất lượng cạnh tranh thường dẫn đến phá vỡ quy định chất lượng làm toàn bộ ngành nông nghiệp bị đi xuống chỉ vì những DN phá vỡ cam kết, chất lượng. Cho nên chất lượng sản phẩm vẫn phải là hàng đầu.
Về phía lực đẩy yếu tố đầu vào, trong quá trình sản xuất phải gỡ khó, tạo điều kiện cho DN kết hợp với nông dân, hộ sản xuất hiệu quả. Do đó cần cho phép tích tụ đất đai nhanh hơn, linh hoạt hơn so với thị trường. Hay trên đất nông nghiệp không chỉ trồng cây mà còn nuôi cá, nuôi tôm nếu thị trường cần chứ đừng cứng nhắc, cản trở quá trình chuyển đổi cho ra đời những sản phẩm thị trường cần như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!