Thị trường bất động sản (BĐS) đã và đang phục hồi. Theo giới chuyên gia, cú hích lớn đã bắt đầu bởi lãi suất đã giảm sâu.
Chính sách bắt đầu “ngấm”
Với những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, sự đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hành trình tìm lại đà tăng trưởng, phục hồi niềm tin của thị trường BĐS đang được dần lấy lại.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thị trường BĐS đang từng bước phục hồi, song có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực bởi khả năng hấp thụ khác nhau. Một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ đã dần được tháo gỡ trong năm 2023 và sẽ trở nên linh hoạt, nới lỏng hơn trong năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng hơn so với trước.
“BĐS đã và đang phục hồi, tất nhiên so với thời điểm hoàng kim thì mới chỉ phục hồi được khoảng 20 - 30%. Nhưng tới đây, thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn. "Cú hích" lớn đã bắt đầu bởi lãi suất đã giảm sâu, độ ngấm của chính sách đã tốt hơn” - ông Đính phân tích.
Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng, BĐS sẽ khó có sự tăng trưởng đột biến, mà phục hồi chậm nhưng chắc. Thị trường BĐS không phát triển nóng như quãng tăng trưởng trước mà sẽ phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững. Thị trường sẽ diễn ra quá trình thanh lọc những khách hàng ra quyết định dựa trên cảm tính, lạm dụng đòn bẩy tài chính và chỉ phù hợp với những khách hàng có nhu cầu thực hoặc nhà đầu tư có tài chính bền vững, sự hiểu biết về thị trường.
Còn theo ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS, niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường BĐS ngày càng được củng cố. Đây là một trong những vấn đề then chốt, mang tính quyết định tới tiến trình phục hồi của thị trường. Tại nhiều địa phương đã ghi nhận kết quả giao dịch BĐS đang dần tăng lên và ổn định. Khi thị trường có thanh khoản, chủ đầu tư giải quyết được hàng tồn, có dòng tiền, các sàn giao dịch, môi giới BĐS cũng có nguồn thu nhập từ hoa hồng bán hàng, toàn bộ thị trường sẽ dần được kích hoạt trở lại.
Cũng theo phân tích của giới chuyên gia, năm 2024, để thị trường BĐS cân bằng, cần phát triển phân khúc nhà ở xã hội (NOXH). Thị trường BĐS nổi lên nhiều tín hiệu tích cực ở phân khúc NOXH khi nhu cầu ở phân khúc này rất lớn, cứ có thông tin dự án nào được hở ra là người dân lại săn tìm. Trái ngược với các phân khúc BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng…
Lực đẩy cho phân khúc nhà ở xã hội
Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được thông qua rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Với hệ thống quy định mới này, với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, trong năm 2023 vừa qua, cũng như trong thời gian sắp tới, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở, nhất là NOXH, góp phần tái cơ cấu thị trường BĐS theo hướng cân đối, phù hợp hơn. Đồng thời, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn để thị trường BĐS vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phát triển đảm bảo mục tiêu ổn định, lành mạnh, bền vững.
Cũng theo ông Nghị, ngày 11/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, trong đó đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường BĐS, đảm bảo thúc đẩy nâng cao tỷ trọng NOXH và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung cầu thị trường.
Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn khoảng 28.000 tỷ đồng. Một số dự án NOXH tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 180 tỷ đồng.
Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1 triệu căn NOXH, riêng giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Tuy nhiên, để thực hiện đúng mục tiêu Đề án đã đặt ra tới năm 2030, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ Đề án đã đề ra; đẩy mạnh rà soát, phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án NOXH.
Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương và Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án NOXH, kịp thời đảm bảo nhu cầu tín dụng để giải ngân gói tín dụng này.
“Năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung cho công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS, trong đó, tập trung cho phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân và thực hiện cải tạo chung cư cũ. Bộ sẽ tăng cường đôn đốc, triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững” - ông Nghị nói.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 371 dự án NOXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 191.300 căn, với tổng diện tích khoảng 9,6 triệu m2. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Đề án, cả nước đã có 495 dự án NOXH với quy mô gần 403.000 căn, trong đó đã hoàn thành 70 dự án với quy mô gần 35.600 căn; Khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô gần 107.900 căn; Chấp thuận chủ trương đầu tư 298 dự án với quy mô hơn 259.400 căn.