Quốc hội

Cử tri và Nhân dân mong muốn sắp xếp tinh gọn bộ máy cần quan tâm đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Việt Thắng 10/12/2024 10:23

Ngày 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 11/2024 trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024.

Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm

Báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và Nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn.

Cử tri và Nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, cử tri và Nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, thể hiện trách nhiệm cao trước các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

202412100832488106_20241210- UBTVQH-0295
Ông Hoàng Anh Công báo cáo tại phiên họp

Tuy nhiên, theo ông Công, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội; các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây; xe đạp điện đang ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, dễ điều khiển, tuy nhiên tốc độ di chuyển của loại phương tiện này khá nhanh, trong khi đó hiện nay chưa có quy định về độ tuổi đối với người điều khiển dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi người điều khiển xe đạp điện phần lớn là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giao thông; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm các vấn đề trên cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm hơn để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Khiếu nại, tố cáo về đất đai, khai thác tài nguyên vẫn diễn biến phức tạp

Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.297 kiến nghị của cử tri.

Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời đúng thời hạn.

Trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2024, số người đeo bám khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng, phát sinh 307 người so với trước Kỳ họp thứ 8. Trong đó có nhiều đoàn đông người của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ địa phương, nhằm hạn chế việc các công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên Trung ương.

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội cho thấy, các cơ quan đã tiếp 520 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 456 vụ việc, trong đó có 37 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 50 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 18 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 388 vụ việc.

Về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, ông Công thông tin các cơ quan đã tiếp nhận và xử lý được 4.188 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến, trong đó có 698 đơn đủ điều kiện xử lý, 3.537 đơn không đủ điều kiện xử lý. Qua nghiên cứu các cơ quan đã chuyển 327 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 119 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, tiếp tục nghiên cứu 130 đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử tri và Nhân dân mong muốn sắp xếp tinh gọn bộ máy cần quan tâm đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động