Thường chỉ khi vào mùa lạnh cúm A mới xuất hiện, tuy nhiên, thực tế năm nay cho thấy lượng người mắc cúm A tăng ngay trong mùa hè, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi nhanh với BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương về “sự bất thường” này.
PV:Thưa ông, nếu ở miền Nam, bệnh cúm lưu hành quanh năm thì ở miền Bắc, cúm thường bùng phát vào mùa đông - xuân khi trời trở lạnh. Thế nhưng, số ca mắc cúm A gia tăng trong mùa hè có phải là dấu hiệu bất thường của dịch cúm trong năm 2022?
BS Lê Văn Thiệu: Cúm A, quai bị, thủy đậu… là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, thực tế năm nay cho thấy số người mắc cúm A tăng lên sớm hơn nếu tính theo năm nhưng theo chu kỳ bệnh thì lại muộn hơn (tính theo mùa của mùa đông năm trước). Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do mùa cúm trùng với đợt bùng phát dịch Covid-19, nhờ các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 khiến cho cúm không thể lây lan được, điều đó vô tình ngăn cho cúm A lây nhiễm và hoành hành.
Có thể nói, các biện pháp phòng dịch khiến bệnh cúm mất khả năng lây lan nhưng vô tình làm một loạt kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh cùng với các biện pháp tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng. Ngoài ra, kháng thể cúm không bền vững và sẽ giảm sau 3 đến 6 tháng... Chưa kể chúng ta chưa thực sự sống trong mùa hè vì nhiều người giờ đây ở nhà hay đến nơi làm việc đa phần đều ở trong môi trường điều hòa. Đó là một trong những nguyên nhân vì sao cúm A tăng mạnh ngay trong thời điểm mùa hè.
Với thực tế điều trị trong ngành truyền nhiễm, theo ông, yếu tố thời tiết hay dịch Covid-19 có ảnh hưởng gì đến việc cúm A xuất hiện sớm không?
- Thời điểm này không khí nóng ẩm, mưa nhiều đồng nghĩa với điều kiện thuận lợi của rất nhiều dịch bệnh, trong đó cúm A cũng không ngoại lệ.
Những người nào thì có nguy cơ mắc bệnh cúm A và nếu không được điều trị kịp thời thì có những hệ lụy gì, thưa ông?
- Một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm, như trẻ em và người lớn tuổi, những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, như người bị bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai; bệnh nhân đang dùng aspirin... Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, viêm phổi do cúm hoặc liên quan đến cúm là nguyên nhân chính khiến bệnh nặng hoặc tử vong trên những bệnh nhân có nguy cơ cao. Điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus ở những bệnh nhân này có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp và nằm viện. Cùng với đó, liệu pháp kháng khuẩn phù hợp sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát.
Bệnh nhân mắc cúm A sẽ dùng thuốc kháng virus trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm thời gian sốt, mức độ nặng của các triệu chứng và thời gian để trở lại hoạt động bình thường. Sẽ tùy từng trường hợp người bệnh, các bác sĩ sẽ điều trị bằng các loại thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêm chủng đã bị gián đoạn, rất nhiều phụ huynh đã “bỏ quên” việc đưa con em mình đi tiêm phòng? Theo ông, việc này ảnh hưởng thế nào đến công tác phòng, chống bệnh cúm?
- Vaccine cúm được tiêm ngừa hàng năm để duy trì hiệu giá kháng thể. Tiêm phòng vaccine hiệu quả nhất là vào mùa thu, do đó, kháng thể sẽ tăng cao trong mùa đông - mùa cúm. Tuy nhiên mùa cúm năm nay đến vào đầu hè, vì vậy thời điểm hiện tại thích hợp để tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và tiếp tục tiêm mũi tiếp theo vào cuối mùa thu.
Trân trọng cảm ơn ông!