Sức khỏe

Cúm B có gây nguy hiểm?

THANH MAI 26/05/2024 07:26

Theo các chuyên gia y tế, cúm B chỉ gây bệnh nhẹ, bệnh nhân hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên, gần đây ngành y tế đã ghi nhận các ca bệnh cúm B nhập viện với tình trạng rất nặng, thậm chí phải can thiệp ECMO.

anhbai-cum-b-24-5.jpg
Virus cúm B có biểu hiện bệnh giống với cảm lạnh.

Dịch cúm B diễn biến bất thường

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh viện đang điều trị 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 ca rất nặng được chỉ định can thiệp ECMO (phương pháp điều trị sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống cho người bệnh). Đáng lưu ý là cả 2 bệnh nhân này là người trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Theo đó, mới đây một bệnh nhân 19 tháng tuổi vào khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao liên tục (39 - 40 độ C). Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, được làm xét nghiệm có kết quả cúm B (+). Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, ho, mệt nhiều, ăn kém, nôn, đi ngoài phân lỏng có dấu hiệu của suy hô hấp.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết. Sau khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy. 1 ngày sau bệnh nhân chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao) bệnh nhân được làm xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.

Tiếp đó là trường hợp bệnh nhân nam, 40 tuổi ở Thanh Hóa nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 8/5/2024.

Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ăn uống kém. Khi thấy khó thở đau tức ngực sau xương ức, khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh bệnh nhân nhập viện được làm xét nghiệm có kết quả cúm B (+).

Tiến hành chụp cắt lớp có hình ảnh tổn thương phổi bên phải, được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, cúm B. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở và tức ngực nhiều, sau đó được đặt ống thở máy. Hiện tại bệnh nhân đã được đặt ECMO.

Bệnh nhân tiếp theo 30 tuổi ở Hải Hậu, Nam Định. Nữ bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39 - 40 độ C, kèm theo đau tức ngực và khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà khám và kê đơn điều trị ngoại trú 2 ngày.

Tuy nhiên tình trạng không cải thiện mà xuất hiện suy hô hấp nặng. Bệnh nhân lại nhập viện để điều trị, được làm xét nghiệm có kết quả cúm B (+). Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi, suy hô hấp, cúm B. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được đặt ống thở máy nhưng đáp ứng kém, sau đó được chỉ định can thiệp ECMO.

Theo BS Trần Văn Bắc - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khi bị mắc cúm B có diễn biến nặng, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế điều trị chuyên sâu và theo dõi biến chứng và nguy cơ bội nhiễm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.

Còn TS.BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khuyến cáo cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Nhiễm trùng nặng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào, dù người bệnh có thể trạng sức khỏe tốt. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.

Cúm B có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia y tế, cúm là một bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân do virus Influenza gây ra. Loại virus này tấn công hệ hô hấp thông qua các bộ phận như mũi, cổ họng, phổi…

Cúm thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa, lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc, dễ lây từ người này sang người khác, từ đó dễ gây nên dịch trong cộng đồng. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

Virus gây bệnh cúm ở người gồm 3 chủng: A, B, C. Trong đó cúm A là loại cúm phổ biến nhất, có thể lây truyền được từ động vật sang người, vì vậy cúm A thường gây nên các đại dịch lớn như A/H5N1, A/H1N1…

Còn cúm B là một dạng của virus cúm, virus cúm B chỉ xuất hiện ở người, cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa. Trái lại, cúm C ít lây nhiễm ở người, đồng thời biểu hiện bệnh cũng rất nhẹ.

Cúm B có 2 dòng phổ biến, đó là dịch cúm B Yamagata và dịch cúm B Victoria. Cả 2 dòng dịch này hầu như không khác nhau về bản chất của kháng nguyên.

Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không có khả năng lây truyền qua động vật như cúm A, đồng thời triệu chứng của cúm B nhẹ hơn, ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của cúm A.

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm virus cúm B khá ngắn, chỉ khoảng 1-3 ngày và không xuất hiện các dấu hiệu bệnh rõ ràng. Tiếp đó, bệnh sẽ diễn tiến trong khoảng 3-5 ngày với những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 41 độ C kèm theo đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho.

Tuy nhiên, do bệnh lây nhiễm qua dịch tiết mũi, nước bọt và tiếp xúc nên trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang người khoẻ mạnh.

Theo BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm - Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc (Hệ thống tiêm chủng VNVC), dấu hiệu, triệu chứng cúm B dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Việc phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho mọi người xung quanh, ngăn chặn virus phát triển nặng và có hướng điều trị kịp thời.

Thông thường khi bị nhiễm cúm, người có sức đề kháng tốt chỉ cần nghỉ ngơi trong vài ngày là có thể khỏi bệnh, không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe cơ thể. Trái lại, virus cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim, phổi, thận, chuyển hóa, người bị suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh lý viêm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa…

Biến chứng do cúm B có tỷ lệ khá thấp, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở một số trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Virus cúm biến đổi liên tục. Hiện, chưa ghi nhận các biến đổi nguy hiểm do virus cúm, tuy nhiên các thành phần của vaccine hàng năm cần phải thay đổi dựa trên cơ sở chủng virus đang lưu hành được phát hiện thông qua chương trình giám sát cúm toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cúm B có gây nguy hiểm?