Khảo sát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn hàng Việt Nam chiếm hơn 85%, tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Có hơn 87% người tiêu dùng có thói quen và sử dụng hàng Việt thường xuyên.
Triển khai nhiệm vụ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: Là thành viên thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, trong năm 2018, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua hơn 300 hội nghị với hơn 100 nghìn lượt người tham gia. Trong đó, chú trọng giới thiệu những ưu điểm, lợi thế hàng nội địa của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ hội viên sử dụng đồ gia dụng nhà bếp BESUTO; cung ứng phân bón Phú Điền, Việt Pháp, Hà Anh; tổ chức 5 điểm bán hàng Việt tại các chi, tổ hội. Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” cũng như tích cực tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời Vĩnh Phúc cũng tích cực xây dựng thương hiệu cho tương Nam Viêm, ong Tam Đảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo và tổ chức giao lưu, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang…
Các sở, ngành là thành viên BCĐ đã tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tổ chức hội chợ giới thiệu hàng Việt và đối thoại, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp…
Đáng chú ý, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Miền Bắc tổ chức điểm bán hàng Việt Nam lưu động để tuyên truyền, quảng bá, nâng cao ý thức người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong việc tiếp cận, lựa chọn và sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam tại khu vực xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, với phương châm đẩy mạnh tuyên truyền “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” và thông qua hoạt động tổ chức điểm bán hàng Việt lưu động tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với hàng Việt và dần thay đổi nhận thức cũng như thói quen trong tiêu dùng, vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa tạo điều kiện kích thích phát triển sản xuất, phục vụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào ổn định thị trường nội địa, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thông qua điểm bán hàng, người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn được tham quan, mua sắm những mặt hàng có nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Các thiết bị điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, giống cây trồng, quần áo, giầy dép,… Từ đó có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không có xuất xứ trên thị trường.
“Nhờ triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên nhận thức, hành vi sử dụng hàng nội địa của người dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Theo khảo sát cho thấy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn hàng Việt chiếm hơn 85%, tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả, có hơn 87% người tiêu dùng có thói quen và sử dụng hàng Việt thường xuyên”- ông Nguyễn Tuấn Khanh đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cuộc vận động còn tồn tại như hệ thống phân phối hàng Việt về nông thôn chưa được thiết lập thành hệ thống. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến thị trường nông thôn. Việc kinh doanh trên mạng xã hội phát triển nhưng công tác quản lý còn hạn chế, thiếu cơ sở thông tin về giá trị sản phẩm, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân...
Trong năm 2019, ông Nguyễn Tuấn Khanh đề nghị các thành viên BCĐ bám sát nội dung, kế hoạch triển khai cuộc vận động của tỉnh và Trung ương. Cùng với đó nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.