Thật buồn, vì đại dịch chẳng những chưa giảm đi trên quy mô toàn cầu mà đối với nhiều quốc gia, dịch đã trở lại và hoành hành khủng khiếp với những biến thể mới.
G. thân mến!
Thật là rất đáng lo ngại khi những bức thư chúng ta gửi cho nhau trong suốt hơn một năm qua vẫn quanh đi quẩn lại dù không muốn vẫn phải nói chuyện về dịch bệnh. Cách đây gần 1 năm, trong sự lo âu và hy vọng, chúng ta đã từng nghĩ rằng dịch Covid-19 sẽ ngày càng thuyên giảm nhờ miễn dịch cộng đồng, nhờ thế giới đã có vaccine và có thể cả vì lý do tự virus sẽ suy yếu. Thế nhưng thật buồn, vì đại dịch chẳng những chưa giảm đi trên quy mô toàn cầu mà đối với nhiều quốc gia, dịch đã trở lại và hoành hành khủng khiếp với những biến thể mới.
Cách đây chừng nửa tháng, ngày ngày chúng ta theo dõi những bản tin từ Ấn Độ, từ những quốc gia ở gần như Lào, Campuchia và một số nước khác, lòng đầy thấp thỏm. Hàng nghìn người chết ở Ấn Độ mỗi ngày là con số quá đau xót. Ở Ấn Độ tôi có những người quen, và tôi mong họ bình an mỗi ngày. Ngày nào tôi cũng theo dõi facebook của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Anh Châu viết rằng: “Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”.
Thế rồi, cái điều phấp phỏng đã đến, Việt Nam bắt đầu có những ca mắc trong cộng đồng trở lại, như là tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh ở các nước khác lan rộng, khó tránh khỏi. Nhưng lần này thật khác, biến thể mới của virus lây lan nhanh hơn, số ca mắc đã tăng nhanh hơn và lan rộng ra rất nhiều tỉnh thành. Vốn đã quá vất vả ở tuyến đầu chống dịch suốt hơn một năm qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải phong toả vì trở thành một trong những ổ dịch, Bệnh viện K cũng phải phong toả…
Khi tôi nhắn tin cho bác sĩ Sâm – một bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện K, thì nhận được câu trả lời rằng em ở lại cách ly ở Viện. Sâm thản nhiên tiếp nhận việc này, không phàn nàn câu nào. Vợ Sâm cũng là bác sĩ, con gái cậu ấy còn bé tí. Có lẽ phản xạ của bác sĩ là vậy, quen rồi, nhiều hôm cả ngày đứng trong phòng mổ, nửa đêm có ca nào cần cấp cứu, nghe điện thoại là lại lao đến viện, chưa thấy bác sĩ nề hà bao giờ… Tối qua, bác sĩ Hiền Anh, vợ của bác sĩ Sâm nhắn tin kể với tôi là con gái mấy hôm nay cứ nháo nhác hỏi bố.
G. thân mến!
Ở trên mạng xã hội, có rất nhiều người gắn khung chạy những dòng chữ sát cánh cùng các bác sĩ, các bệnh viện chiến thắng đại dịch Covid-19. Cũng không phải không có ý kiến cho rằng do các bệnh viện thiếu cẩn trọng mà để dịch lây lan ở ngay nơi đáng lẽ là tuyến đầu tiếp nhận bệnh nhân. Tôi thì nghĩ các bác sĩ đã quá kiên cường suốt hơn một năm qua rồi, bây giờ không phải là lúc chỉ trích họ, bây giờ là lúc chung sức đồng lòng, động viên họ vượt qua thời điểm khó khăn này.
Bây giờ là lúc chúng ta không quá hoảng loạn nhưng cũng không còn được phép chủ quan nữa rồi. Bản tin mỗi sáng mỗi chiều, trong mấy ngày qua không còn là những con số trên đầu ngón tay như các đợt dịch trước nữa rồi. Chúng ta đã có nhiều chục ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, thật sự đang là thời điểm đầy thử thách của chúng ta trong trận chiến lần này.
G. ơi, bản tin mỗi ngày, chúng ta lại thấy trái tim thắt lại khi số ca nhiễm mới và số người tử vong vẫn được tiếp tục xướng lên đầy đau xót ở các quốc gia. Số phận mỗi con người trên trái đất, số phận mỗi quốc gia bây giờ đều được đặt trong một mối liên kết chặt chẽ toàn cầu. Chỉ có sự đoàn kết của tất cả các quốc gia vào thời điểm này mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh. Các nước phải cùng nhau tháo bỏ các rào cản để đưa vaccine Covid-19 đến với mọi người. Chỉ có thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo thì mới có thể tiến gần hơn đến việc chấm dứt đại dịch.
G. thân!
Nhiều trường học ở Việt Nam đã phải tạm đóng cửa, những đứa trẻ ở nhà học trực tuyến trong một nỗi lo lắng không nhỏ của nhiều người khi mà các kỳ thi vẫn còn đang ở phía trước. Mặc dù có vẻ như đến lần này thì việc học trực tuyến ở nhà cũng đã trở thành quen, cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Mọi việc mọi người đều phải thích nghi thôi, dù chẳng dễ gì, khi lại tưởng tượng ra, sau khi dịch tạm lắng xuống thì nỗi lo của nền kinh tế lại trở lại. Khó khăn này kéo theo những đứt gãy khác, khó khăn chồng chất khó khăn.
G. ơi, dù dịch bệnh đúng ta đang khiến chúng ta vô cùng lo lắng thì cũng phải thú thật là Hà Nội những ngày này đang đẹp quá. Hoa Đoọc Khun đã nở vàng rực rỡ nhiều con đường. Đã lác đác hoa phượng, hoa bằng lăng và những đầm sen đã bắt đầu vào vụ.
Năm nay chắc cũng chả còn mấy tâm trí để mà dập dìu đi chụp ảnh đầm sen. Là một người không thích chụp ảnh như tôi nghĩ thế. Chứ còn chỉ cần dịch ổn ổn thôi, thì cũng chả biết đâu được, chụp ảnh giờ cũng là một nhu cầu “thiết yếu” ra phết đấy.
Hà Nội đang mùa hoa đẹp, mà đường thì vắng. Hà Nội cứ quanh năm như thế này thì ổn không nhỉ? Người ta luôn luôn bị mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Hà Nội mà vắng vẻ, mộng mơ, lãng mạn thì lại thiếu đi cái phần sôi động của một cơ thể sống và đang đổi thay mạnh mẽ.
Tôi luôn nghĩ về những ngày tháng đặc biệt này, những ngày tháng đầy khó khăn, thử thách. Chắc là phần lớn chúng ta đều nghĩ về nó, với những chiêm nghiệm của riêng mình. Tôi nhớ về những đại dịch thương hàn, thổ tả… càn quét cả một vùng đất trong những cuốn tiểu thuyết cổ điển. Nhưng có lẽ chưa bao giờ thế giới lại gánh chịu một đại dịch khủng khiếp như lần này, ở quy mô toàn cầu. Ngày xưa ấy vì phương tiện di chuyển lạc hậu, dịch bệnh chỉ lan ra cùng lắm là một vùng, có khi còn chưa bằng một tỉnh bây giờ. Nhưng ngày nay thì khác, người ta đi nửa vòng trái đất chỉ hết hơn một ngày là cùng và virus đã đi cùng, từ nước này qua nước khác, trên những chuyến bay. Chúng ta sống ở thời đại toàn cầu hóa và khi nào một vùng đất “ốm” thì cả thế giới “ốm” theo.
G. ạ!
Dù thật sự là ở Việt Nam, dịch đang phức tạp, nhưng tôi vẫn lạc quan nghĩ rằng rồi chúng ta, tuy có gian nan hơn, vẫn có thể khống chế được các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Rồi học sinh sẽ lại trở lại trường, trước khi bước vào một mùa hè thật sự. Mà muốn như vậy, thì việc cần làm bây giờ là mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đồng, mà cũng là với chính mình.
Chào G. nhé!
Hẹn gặp ở thư sau!