Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Trong số đó chỉ khoảng 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16-17, được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Lợi bất cập hại
Lạc trong “ma trận” thông tin mạng với những đứa trẻ còn non nớt, nhiều hệ lụy đã xảy ra như dễ sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, có lối sống buông thả...
Thực tế, đã có không ít trẻ em ở lứa tuổi 10-18 đã bị dụ dỗ chụp ảnh nhạy cảm, dọa tung lên mạng; hay bị xâm hại tình dục khi đến phỏng vấn từ kết quả tìm việc làm trên mạng... Nhiều vụ việc đã được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông thời gian qua. Mới đây nhất là vụ việc bé gái sinh năm 2008 ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), thông qua mạng xã hội Facebook, quen bạn trai sinh năm 2003. Sau đó bé gái đã bị bạn trai dụ dỗ, thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Vụ việc bị phát hiện, kẻ xâm hại bé gái đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Bà Phan Lan Hương - làm việc tại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Bộ LĐTB&XH) đã chia sẻ nhiều câu chuyện buồn từ nội dung các cuộc điện thoại mà trẻ em gọi đến. Đáng chú ý là chuyện của một em học sinh lớp 7 tại Hà Nội, sau 2 tháng yêu nhau qua mạng internet, em đã bị bạn trai 21 tuổi mô tả bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, rồi gửi ảnh khỏa thân. Sự việc xảy ra khiến em sợ hãi và bị bất ổn về tâm lý trong một thời gian dài. Hay một trường hợp khác của cháu gái 16 tuổi tại Hà Nội đã tự tìm việc làm trên mạng xã hội trong dịp nghỉ hè năm trước. Một cơ quan tuyển dụng đã hẹn cháu đến phỏng vấn và cháu đã bị xâm hại tình dục ngay trong văn phòng đó. Bà Hương cho biết thêm, khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài đã tham vấn tâm lý để cháu giảm bớt nỗi sợ hãi, đề nghị cháu được trị liệu tâm lý (miễn phí), hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xác định kẻ đồi bại... Tuy nhiên, cháu đã từ chối mọi hỗ trợ nhằm giữ bí mật cho bản thân.
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ em
Đại diện Tổng đài 111 cho hay, tuy chưa có số liệu cụ thể về số trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng, nhưng từ các cuộc gọi đến cho thấy, nguyên nhân chính là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Các em đã không được trang bị kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Việc tiếp nhận thông tin mạng không được kiểm soát còn dẫn đến những hệ lụy tâm lý của trẻ trong giai đoạn đang phát triển.
Phản ứng thông thường nhất của các bậc phụ huynh là từ việc muốn bảo vệ con em mình, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cần ngăn cấm trẻ sử dụng mạng xã hội để tránh việc làm quen với người lạ qua mạng. Từ đó có thể ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra. Đơn cử như chị Vũ Minh Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, khi thấy con gái học lớp 8 hay vào mạng xã hội, chị đã tịch thu điện thoại, chỉ cho cháu sử dụng duy nhất khoảng 2 giờ đồng hồ vào ngày Chủ nhật trong tuần.
Tuy nhiên, theo TS giáo dục học Vũ Thu Hương, điều quan trọng là cần là giáo dục các con cách phòng tránh xâm hại tình dục, việc cấm các con không sử dụng mạng xã hội là việc làm không có giá trị. Hậu quả đáng tiếc xảy ra là do chúng ta không chú trọng việc giáo dục giới tính cho các con, không chú trọng cung cấp những thông tin kiến thức về pháp luật cho các con.
Dùng công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, không ai có thể bảo vệ trẻ mãi khi các em lang thang trên mạng. Do đó, người lớn phải trang bị để các em có kỹ năng, như “vắc xin số” để chống lại thông tin xấu độc, hiểm nguy trên Internet.
Hiện Cục Trẻ em và các cơ quan chức năng, công ty công nghệ tìm kiếm nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo các chat bot thay người tư vấn thông tin, phân tích dữ liệu, hỗ trợ chính quyền địa phương hoặc cán bộ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở. Kỳ vọng là AI cùng các chuyên gia tâm lý xã hội, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học đường chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Các bộ Thông tin và Truyền thông, LĐTB&XH, Giáo dục và Đào tạo... đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ các em trên mạng, nếu vụ việc nào có yếu tố hình sự thì chuyển sang Bộ Công an xử lý. Cha mẹ cũng có thể vào trang https://vn-cop.vn/ có tính năng nhận diện website không an toàn cho trẻ, báo cáo xâm hại để bảo vệ trẻ.
Bà Đinh Thị Như Hoa -Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ngoài Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với hotline là 0963563571 cũng đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực, còn có một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT), doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, Tik Tok...) đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và đã tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo các chuyên gia, trước mắt, giải pháp quan trọng là phải tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Hơn hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ giúp bảo vệ con em mình an toàn trên môi trường internet và mạng xã hội.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), mỗi năm có hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 về tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột, trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em… Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận trên 356.000 cuộc gọi qua các kênh điện thoại, Zalo, app 111… Trong đó, 413 ca liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và 17 thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em.