Hiện nay, “vùng xanh” hay “vùng đỏ” tại TP HCM đều hạn chế người dân ra đường. Mỗi hộ gia đình ở “vùng xanh” được phát phiếu đi chợ 1 tuần/lần. Tại “vùng đỏ”, hàng hóa sẽ được chở thẳng đến rồi phân phát cho từng nhà dân.
Phát phiếu đi chợ tuần 1 lần cho “vùng xanh”
Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực nào trong “vùng xanh” thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó. Bố trí các điểm cung ứng bên trong các khu vực thuộc “vùng xanh”. Hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường. Từ đó, tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm cho các hộ gia đình. Cụ thể, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 1 thẻ đi chợ 1 tuần/lần. Và phải ghi rõ địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.
Ngoài ra, UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 1 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”. Trường hợp trong các khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, sẽ giao việc điều phối cung ứng hàng hóa thực phẩm cho người dân tại các khu vực “vùng xanh” cho UBND phường, xã, thị trấn. Các đơn vị này làm đầu mối liên hệ Sở Công thương để cung cấp đầy đủ hàng hóa cho các điểm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm trong các khu vực thuộc “vùng xanh”.
Đối với những hàng hóa cần thiết liên quan đến gia dụng, vệ sinh, dược phẩm... người dân phải đăng ký để địa phương tổ chức mua theo nhu cầu.
Chở hàng thẳng đến khu “vùng đỏ”
Sở Công thương TP HCM cho biết, để hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa được tiếp cận nguồn hàng lương thực thực phẩm thiết yếu được thuận lợi, bên cạnh việc tổ chức phát phiếu mua hàng cho người dân thì Sở liên tục triển khai các giải pháp tăng cường các điểm bán. Đồng thời, thực hiện đi chợ thay giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài.
Cũng theo Sở Công thương thành phố, thời gian qua Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức siêu thị mini, chợ nghĩa tình chủ yếu phát phiếu cho người dân mua hàng hóa tại các khu phong tỏa. Chợ nghĩa tình tổ chức với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Thời gian qua, mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.
“Để nguồn hàng hóa cung ứng trong các khu vực phong tỏa được nhiều hơn, Sở Công thương đã làm việc với Hội Phụ nữ và đưa ra giải pháp. Dự kiến, tổ chức lựa chọn mặt hàng mà các địa phương dư thừa tổ chức thành các gói hàng hóa của các địa phương, chở thẳng tới khu phong tỏa”, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM thông tin thêm.
Cũng theo vị này, Hội Phụ nữ sẽ hỗ trợ phân phối tới người dân thì sẽ nhiều hơn, nhanh hơn, đảm bảo an toàn hơn. Giải pháp này hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố.