Sau 7 ngày làm việc không ngừng nghỉ, 3 Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại TP Hồ Chí Minh đã được thành lập và bắt đầu đón bệnh nhân, trên cơ sở của 3 bệnh viện dã chiến với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Việc đưa vào hoạt động 3 Trung tâm ICU này sẽ giúp nhiều ca bệnh nguy kịch, bệnh nặng Covid-19 được cứu sống trong cuộc chiến hết sức gian nan với dịch Covid-19.
Nhiều kỳ tích
Tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM, chỉ trong vòng nửa tháng, đơn vị này đã điều trị hồi phục thành công cho 200 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và chuyển người bệnh xuống điều trị tại tuyến dưới.
BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý Trung tâm Hồi sức Covid-19 TP HCM cho biết, gần 60% các bệnh nhân tại đây là các trường hợp nặng, nguy kịch.
BV tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch từ BV ở tầng dưới trong mô hình tháp điều trị, với phần lớn là các trường hợp thở máy, thở ôxy không hiệu quả, vượt quá khả năng điều trị tại các bệnh viện đó. Sau khi điều trị thành công, bệnh nhân lại được chuyển về tuyến dưới còn BV Hồi sức Covid-19 tại tiếp tục nhận thêm bệnh nhân nặng, nguy kịch.
BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: BV Hồi sức Covid-19 đã tiếp nhận trên 500 bệnh nhân với phần lớn là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Với hơn 200 người bệnh đã được hồi phục, đây là một sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vô cùng lớn của tập thể y bác sĩ.
Trong cuộc chiến trường kỳ đầy cam go khốc liệt, nhiều kỳ tích đã được các bác sĩ tạo ra, giúp bệnh nhân thoát cửa tử. Gần đây nhất, một sản phụ mang thai 31 tuần rơi vào tình trạng nguy kịch, cần can thiệp ECMO gấp vào lúc 3h sáng đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và mổ bắt thai thành công. Xúc động hơn nữa, người bệnh cũng là bác sĩ của BV Nhi đồng TP HCM. Sau 1 tuần được can thiệp bằng ECMO, thở máy, lọc máu tích cực, bệnh nhân đã được cai máy thở, rút nội khí quản và cai ECMO thành công.
BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy tâm sự: “Nhìn thấy những nụ cười và giọt nước mắt của bệnh nhân, và cũng là đồng nghiệp cùng với sự bình an của cháu bé khiến chúng tôi như không còn mệt mỏi trong những đêm trắng giành giật tính mạng cho bệnh nhân”.
Còn tại Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 371 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 60 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Gần đây nhất, một bệnh nhân 61 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm đã được điều trị hồi phục hoàn toàn sau 13 ngày hồi sức tích cực.
BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Việc bệnh nhân nguy kịch, tuổi cao, nhiều bệnh lý nền hồi phục chỉ sau 13 ngày nhập viện là một điều rất may mắn cho bệnh nhân và là niềm an ủi rất lớn đối với các y bác sĩ hồi sức tích cực.
Cấp tốc đào tạo cấp cứu, hồi sức tích cực
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, tính đến sáng 8/8, cả nước có 512 ca bệnh nặng đang điều trị hồi sức tích cực, trong đó, 19 ca nguy kịch đang điều trị ECMO (máy tim phổi nhân tạo). PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh bùng phát với số ca bệnh tăng cao khiến áp lực cho công tác điều trị là vô vùng lớn. Điểm mấu chốt trong điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch là việc phát hiện sớm các bệnh nhân có biểu hiện các yếu tố nguy cơ tiến triển nặng để kịp thời xử trí.
Cũng theo ông Khuê, việc thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng trong công tác điều trị, với phương châm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnhnặng để điều trị. Những ngày gần đây, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống, số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày tăng nhanh cho thấy hiệu quả của chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 của chúng ta đang đi đúng hướng.
Còn PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay TP HCM đang áp dụng mô hình điều trị “tháp 5 tầng”, với tầng cao nhất là BV Hồi sức Covid-19, đây là những BV được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Đến nay, mô hình này đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là công tác điều trị cho bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân nặng.
Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cấp tốc đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở. Theo đó các BV lập danh sách các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm và dự kiến huy động làm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19; Liên hệ với các BV có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia (theo địa bàn phụ trách) để được đào tạo, tập huấn cấp tốc về cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở và các nội dung cần thiết khác bằng các hình thức tại chỗ, trực tuyến… trong đó ưu tiên việc cử người đến các trung tâm để trực tiếp học và thực hành.
Đây là công việc hết sức cấp bách. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, báo cáo tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc về Cục Quản lý khám, chữa bệnh để được hỗ trợ kịp thời.