Cuộc chiến tẩy chay quần áo cũ

Hà Anh 28/09/2023 07:22

Mỗi năm, hàng triệu chiếc áo phông, quần jean và váy cũ được chuyển từ các thùng quyên góp ở Mỹ và châu Âu đến Đông Phi. Đó là một ngành thương mại hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm ở cả các nước nhập khẩu đồ cũ, nhưng nó cũng đang kìm hãm sự phát triển của ngành dệt may địa phương.

Tình trạng dư thừa quần áo giá trị thấp tạo gánh nặng cho các nước đang phát triển . Ảnh: CNN.

Rào cản của ngành dệt may

Năm 2018, nhà thiết kế thời trang Bobby Kolade chuyển từ Berlin về Thủ đô Kampala của Uganda với tham vọng tạo ra một thương hiệu thời trang “cây nhà lá vườn” sử dụng chất liệu cotton của Ugandan. Song mọi chuyện không diễn ra như Kolade tưởng tượng. Mặc dù nguyên liệu thô là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước này, nhưng ngành dệt may của Uganda đã gặp khó khăn kể từ những năm 1970. Cả nước chỉ có 2 nhà máy dệt có thể gia công vải bông.

Vì vậy, anh Kolade chuyển sang một thứ “nguyên liệu” có sẵn: quần áo cũ. Trong studio ở Kampala của Kolade, quần áo cũ được giặt, lựa chọn và biến thành những sản phẩm thời trang cho thương hiệu Buzigahill của anh. Với ý tưởng: “Trả lại cho người gửi”, những thiết kế sau đó sẽ được bán lại cho các quốc gia đã từng loại bỏ chúng.

Đó là một động thái nổi bật nhằm vực lại ngành công nghiệp dệt may địa phương vốn đang phải gánh chịu làn sóng quần áo cũ và hàng dệt may nhập khẩu giá rẻ. Nhưng những nỗ lực của Kolade nhằm xây dựng một hệ sinh thái thời trang mới đang diễn ra bên lề một cuộc tranh luận toàn cầu rộng lớn hơn, đó là điều gì sẽ xảy ra với sự lãng phí ngày càng tăng của thời trang và ai sẽ là người trả tiền cho việc đó?

Cuối tháng trước, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng vào quốc gia Đông Phi. Ông cho rằng, hoạt động thương mại này đang kìm hãm sự phát triển của ngành dệt may địa phương. “Tôi đã tuyên chiến với quần áo cũ để quảng bá quần áo châu Phi” - tờ Daily Monitor của Uganda dẫn lời Tổng thống Yoweri Museveni.

Dù ngành thương mại đồ cũ hỗ trợ tạo việc làm ở địa phương, nhưng dòng hàng hóa - chủ yếu từ các nước ở Bắc bán cầu đến các nước ở Nam bán cầu - cũng gây tranh cãi về mặt chính trị trong nhiều thập kỷ, phần lớn là do nó đe dọa các ngành công nghiệp trong nước. Philippines đã cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ năm 1966, nhiều quốc gia khác cũng đã thực hiện điều này.

Đây không phải là lần đầu tiên Uganda có động thái nhằm kiểm soát hoạt động thương mại gây tranh cãi. Năm 2016, Cộng đồng Đông Phi - một nhóm kinh tế khu vực gồm 7 quốc gia đối tác, trong đó có Kenya, Tanzania, Rwanda và Uganda, đã đồng ý với lệnh cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng vào năm 2019. Nhưng cuối cùng chỉ có Rwanda là quốc gia duy nhất tuân theo.

Ông Corti Paul Lakuma - nhà nghiên cứu và trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Ugandan think, cho biết: “Có mối lo ngại thực sự về tác động của quần áo cũ đối với lĩnh vực công nghiệp, việc làm và giá trị gia tăng trong khu vực, đặc biệt là trong ngành dệt may”.

Mối lo ô nhiễm môi trường

Chất thải ngày càng tăng do loại hàng nhập khẩu này tạo ra chính là một vấn đề. Sự phát triển bùng nổ của thời trang nhanh trong 20 năm qua đã tạo ra nguồn cung quần áo cũ mà các nhóm môi trường như Greenpeace cho rằng rất khó quản lý.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, xuất khẩu hàng dệt may đã qua sử dụng từ Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp 3 lần từ năm 2000 đến năm 2019, đạt gần 1,7 triệu tấn mỗi năm, trong đó, gần một nửa đã đến châu Phi. Đồng thời, chất lượng và giá trị của quần áo vận chuyển ra nước ngoài đã giảm sút, biến hoạt động buôn bán đồ cũ thành một hệ thống quản lý rác thải ủy nhiệm.

Theo The Or Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với cộng đồng Kantamanto - khoảng 40% tất cả mọi thứ đi qua chợ Kantamanto ở Accra, Ghana - một trong những trung tâm bán quần áo cũ lớn nhất thế giới - không còn phù hợp để bán và cuối cùng bị đưa vào bãi rác.

Nhưng việc cấm buôn bán lại làm tăng thêm sự phức tạp. Theo Hiệp hội các nhà buôn quần áo và giày dép đã qua sử dụng ở Uganda, một số lượng lớn việc làm liên quan trực tiếp và gián tiếp đến chuỗi cung ứng quần áo cũ. Các giao dịch thường được ký kết từ trước nên việc cấm đột ngột sẽ khiến các nhà kinh doanh mất tiền. Nhiều người tiêu dùng cũng thấy lợi ích từ việc mua đồ cũ vì giá rẻ, lại được sử dụng đồ thời trang. Và ngay cả khi không có quần áo đã qua sử dụng, các ngành công nghiệp trong nước vẫn sẽ phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo nhà thiết kế Kolade, lệnh cấm ngay lập tức không phải là câu trả lời cho vấn đề phức tạp về quần áo cũ. “Nếu việc kinh doanh quần áo cũ bị cấm để nhường chỗ cho ngành công nghiệp địa phương phát triển, sẽ xuất hiện một mối quan tâm khác, đó là liệu sợi tự nhiên trong khu vực có được dệt hay không?” – anh Kolade đặt câu hỏi.

Liệu lệnh cấm mà Uganda đề xuất có được thực hiện hay không, vẫn còn phải chờ thời gian. Nhưng theo ông Lakuma, nếu không có kế hoạch hành động cụ thể thì có thể sẽ không có chuyển động nào xảy ra. Ngay cả khi lệnh cấm được đưa ra, việc thực thi nó có thể là một thách thức.

EU đã coi việc giải quyết vấn đề lãng phí thời trang là trụ cột chính trong kế hoạch “xanh hóa” ngành dệt may trong những năm tới, trong khi các bang của Mỹ như California đang xem xét các chính sách khiến các thương hiệu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về những gì xảy ra với quần áo tại thời điểm đó.

Người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của The Or Foundation, Liz Ricketts lo ngại rằng, lệnh cấm quần áo cũ là một sự xao lãng, vừa gây thiệt hại cho lực lượng lao động hiện tại vừa bỏ qua vấn đề cơ bản là sản xuất quá mức thúc đẩy hoạt động buôn bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến tẩy chay quần áo cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO