Cuộc chiến với sim rác

Hà Trọng Nghĩa 08/09/2023 07:55

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, các nhà mạng cam kết sẽ có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng sim không chính chủ, sim rác. Một trong những biện pháp sắp được triển khai là ngừng phân phối sim qua kênh đại lý, cửa hàng sim thẻ. Nhà mạng cam kết dừng các đại lý từ 10/9.

Nhiều năm qua, trước nạn hoành hành của sim rác, cơ quan đã có nhiều biện pháp, nhiều đợt tập trung xử lý. Tuy nhiên, sim rác vẫn nảy nở, nhẹ thì quấy nhiễu người khác, nặng thì lừa đảo, tống tiền, gây bức xúc xã hội. Trong thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác là các bản tin hoặc cuộc gọi không mong muốn. Các tin nhắn, cuộc gọi rác này có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ.

Để ngăn chặn các thuê bao không chính chủ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.

Nhưng, các biện pháp áp dụng vẫn không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng, thì cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân. Riêng với người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Đồng thời có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác/cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê từ nhà mạng, trong số 1,5 triệu sim mới ra thị gần đây có khoảng 80% sim phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.

Nguồn sinh ra sim rác đã được chỉ rõ, vấn đề còn lại là cam kết thực hiện của các nhà mạng và sự kiểm tra, rà soát thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt rất cần kiểm soát các đại lý. Hiện nay, phần lớn sim mới kích hoạt đến từ các nhà mạng lớn đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sim chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Các đại lý đã lách luật khi thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường. Dẫn đến tình trạng sim bán ra vẫn đầy đủ thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng không chính chủ, cũng có nghĩa là cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn tồn tại.

Không chỉ mua sim dễ dàng ở nhiều cửa hàng, thời gian qua sim còn được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như Tiktok, Shopee... Thậm chí có thể mua số lượng lớn hàng trăm sim cũng không phải đăng ký giấy tờ gì. Một chuyên gia viễn thông cho biết, nếu mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 sim chính chủ trên một nhà mạng viễn thông, với 5 nhà mạng, trung bình một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty dịch vụ với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để "dội bom" người dùng.

Chính vì thế, việc siết chặt quản lý lĩnh vực này của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, sẽ xử lý rất nghiêm theo Nghị định 14/2022, nếu phát hiện sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3-12 tháng tuỳ theo mức độ vi phạm của các nhà mạng.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh thành, địa phương. Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn sim thuê bao.

Có thể nói, cuộc chiến với sim rác là rất quyết liệt, khó khăn nhưng nhất định sẽ thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến với sim rác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO