Trong mênh mang hương sắc tháng ba, bài thơ “Chùa Hương” của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) cứ vẳng lên trong tâm hồn những người ngồi thuyền trên suối Yến vãn cảnh Hương Sơn… Nhưng Nguyễn Nhược Pháp không chỉ có “Chùa Hương”, cũng không phải là bông hoa một mùa. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp là “Hoa tứ mùa” rất đáng nghiên cứu…
Bài thơ “Chùa Hương” đã đóng đinh tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp trên văn đàn Việt. Một số giai thoại kể rằng, thi phẩm “Chùa Hương” ra đời trong hoàn cảnh hết sức kì thú.
Năm 1934, Nguyễn Nhược Pháp khi đó tròn 20 tuổi cùng nhà văn nổi tiếng Nguyễn Vỹ rủ hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trảy hội. Chắc chắn, hai người thanh nữ ấy phải thuộc hạng thế phiệt trâm anh, bởi, một trong hai cô có mang theo cả máy ảnh, một vật dụng xa xỉ và hiếm hoi thời bấy giờ. Bốn người đi đến rừng mơ thì thấy một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm.
Vẻ đẹp ngây thơ, thánh thiện của cô gái chân quê đã hớp hồn thi sĩ, khiến ông quên phắt mất bạn và hai nữ sinh cùng đi, cứ ngây người ra ngắm. Những người bạn đi cùng chứng kiến cảnh trên, một cô giơ máy ảnh lên chụp rồi giận dỗi bỏ đi. Nguyễn Nhược Pháp sực tỉnh, nửa muốn chạy theo bạn, nửa bị níu giữ bởi ánh mắt cô gái gặp giữa đường. Nhưng, dòng người đông đúc xô đẩy chen lấn, một lúc sau, thi sĩ cũng bị cuốn theo, lạc mất giai nhân trong mộng.
Đêm đó, thi sĩ không sao chợp mắt được. Tứ thơ bật ra: “Hôm qua em đi chùa Hương/ Hoa cỏ còn mờ hơi sương/ Cùng thầy mẹ em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Nho nhỏ đuôi gà cao/ Em đeo giải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao…”.
Cả bài thơ không câu nào gợi lên chữ “tình”, nhưng cái tình rất trong sáng, ẩn hiện như mơ như thực trong bài thơ (mới đầu có tên là “Cô gái chùa Hương”) đầy e ấp, thuần khiết như giọt sương ban sớm đã chinh phục người đọc bao nhiêu thế hệ. Bài thơ đã được tuyển vào tập “Thơ Chùa Hương”, với những thi phẩm tự cổ chí kim viết về miền đất tâm linh, cũng như phong cảnh đẹp tuyệt vời, trong đó có cả những tác phẩm của Chúa Trịnh Sâm, người phong cho Hương Tích là “Nam Thiên Đệ Nhất Động”.
Tấm ảnh chụp thi sĩ và cuộc tao ngộ trong chớp mắt ấy cũng được cô bạn gái đi cùng nén giận dỗi mà trao trả cho thi sĩ, nhưng, khi Nguyễn Nhược Pháp mất vào lúc 24 tuổi, ở độ tuổi tài năng đang nảy nở sung mãn thì theo thời gian, bức ảnh đó đã thất lạc, không biết giờ có còn ai giữ hay đã theo thi nhân phiêu diêu chốn Hương Sơn huyền thoại?
Bài “Chùa Hương” được tác giả gọi là “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Nhiều ý kiến cho rằng, bài thơ có phảng phất bóng dáng mỹ nhân Đỗ Thị Bính - một người đẹp kém thi sĩ 1 tuổi, vốn được xưng tụng tứ đại mỹ nhân Hà thành (cùng với cô Phượng - Hàng Ngang, cô Síu - Cột Cờ và cô Nga - Hàng Gai) lúc bấy giờ - người phụ nữ mà sinh thời thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp tương tư…
Bài sau này được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc, càng lan sâu tỏa rộng và đi vào đời sống, khiến tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp lại càng bị “đóng đinh” với bài hát này.
Nhưng có một điều mà ít độc giả để ý, Nguyễn Nhược Pháp chính là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con của người vợ nhỏ Phan Thị Lựu. Khi Nguyễn Nhược Pháp mới được 2 tuổi, thì bà Phan Thị Lựu mất. Người vợ lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa Nguyễn Nhược Pháp về nhà sống chung với những anh em cùng cha khác mẹ… Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp trong ký ức của em gái Nguyễn Thị Mười như sau: “Anh Pháp đẹp trai nhất nhà, thông minh, nhạy cảm và luôn là linh hồn trong mọi cuộc vui gia đình. Anh được mẹ ưu tiên xếp một phòng riêng để làm việc”.
Về cái tên của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, ông Nguyễn Lân Bình - người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột, cho biết, học giả Nguyễn Văn Vĩnh thường đặt tên con cái theo các sự kiện lớn của thời cuộc. Vào năm 1914, năm mà nước Pháp bị suy yếu trước nước Đức. Nhân việc ấy mà Nguyễn Văn Vĩnh đặt tên con mình là Nguyễn Nhược Pháp. Theo nghiên cứu của TS văn học Chu Văn Sơn, Nguyễn Nhược Pháp sống trong thời kỳ mà nhiều văn nghệ sĩ tài hoa nhưng yểu mệnh. Nguyễn Nhược Pháp mất năm 24 tuổi. Thơ của Nguyễn Nhược Pháp có số lượng ít. Nhưng rất may quy luật nghệ thuật là quy luật về chất lượng.
Nhưng sự thật Nguyễn Nhược Pháp không chỉ có “Chùa Hương”. Cách đây ít lâu, cuốn "Hoa một mùa" của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp do ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh biên soạn, đã ra mắt độc giả. Đây là toàn bộ các sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch, và phê bình văn học bằng tiếng Pháp của Nguyễn Nhược Pháp.
Đọc cuốn này, nhiều người mới hay, tác giả bài thơ "Chùa Hương" khá đa tài. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết truyện ngắn, kịch và là tác giả của nhiều bài phê bình văn học thể hiện một nhãn quan tinh tường, mẫn cảm.
Cụ thể, trong sách "Hoa một mùa" giới thiệu 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ (Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, sân khấu kịch đương thời...).
Các truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp lấy chủ đề chung là các câu chuyện trong gia đình buổi giao thời với những xung đột mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè đồng trang lứa. Lời văn giản dị mà hóm hỉnh, kín đáo bộc lộ tính cách của nhân vật.
Trong thể loại thơ, ông tập trung vào các nhân vật trong truyền thuyết, lịch sử qua đó thể hiện những tâm tư của mình. Dù sống cuộc đời ngắn ngủi, nhưng Nguyễn Nhược Pháp để lại quan niệm thi ca đáng để chúng ta suy ngẫm. Ông viết: "Chỉ có những kẻ khốn khổ, khi làm thơ, cứ phải đi tìm vần để đắp vào câu thơ, làm hạn chế tính tư tưởng. Một nhà thơ chân chính, lúc nào cũng có khả năng điều kiển câu thơ bộc lộ rõ những giá trị tư tưởng của mình. Câu thơ phải tự tạo ra được cái vần điệu giúp nó bay bổng trong cái bộ óc biết tưởng tượng dồi dào của người viết".
Đến thể loại phê bình, Nguyễn Nhược Pháp như một con người khác, ông chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu của từng tác phẩm, tác giả bằng một lối viết điềm đạm, giàu chất trào lộng. Không thể phủ nhận được trình độ Pháp văn của Nguyễn Nhược Pháp khi ông viết những bài phê bình sắc sảo này lúc mới chỉ ngoài đôi mươi.
Hơn hết, Nguyễn Nhược Pháp viết văn, làm thơ, kịch, và cả viết phê bình nữa bằng một cái duyên bút mực hết sức nhã nhặn, đằm thắm mà không hề kém phần trào lộng, hài hước kín đáo. Có cảm tưởng đằng sau mỗi con chữ lại là một nụ cười mỉm của chàng thanh niên cứ lặng lẽ quan sát và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá lại toàn bộ sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp là điều cần làm, để khẳng định về tài năng và vị trí của ông trong văn học sử Việt Nam, điều mà trước nay còn bị khuất lấp bởi chưa đầy đủ tư liệu về tất cả các trước tác của Nguyễn Nhược Pháp.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, tên của tập sách là “Hoa một mùa” nhưng thật ra, nhìn nhận về di sản của Nguyễn Nhược Pháp, nhất là thơ ca, thì có thể nói rằng nó là “Hoa tứ quý” - thứ hoa nở bốn mùa. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói, ông được biết đến thơ Nguyễn Nhược Pháp từ thời mới đi học. Đặc sắc thơ của Nguyễn Nhược Pháp được tích tụ vào hai bài thơ “Chùa Hương” và “Sơn Tinh - Thủy Tinh”.
“Nguyễn Nhược Pháp là một tài năng chín sớm. Ông rất giỏi về tâm lý, dù là ở trong thơ, văn hay kịch. Phê bình văn học của ông cũng rất hiền hậu, dù có phê bình nhưng cũng là phê bình bằng cái cười ý nhị, đánh vào sự xấu hổ của người ta mà không cần nặng nề, căng thẳng”- nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Tập “Hoa một mùa” có 3 truyện ngắn đều đi sâu khai thác tâm lý nhân vật. 2 truyện in báo Tinh hoa năm 1937, 1 truyện khác là di cảo. Còn đối với mảng phê bình văn học, tôi cho chúng chỉ là những ghi chép trên đường văn chương. Vừa nhạy cảm, vừa thẳng thắn. Vừa tranh luận, vừa ôn tồn mà lại mỉa mai một cách rất “lễ phép”.
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh - Hoài Chân nhận xét: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp… Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười… Một điều lại là những câu tình tứ ghép vào bên cạnh những câu đến buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó!”.
Tuy vậy, tôi lại thích ý kiến của nhà văn Vũ Bằng, trong một bài viết năm 1970. Ông nêu nhận xét thế này: Nguyễn Nhược Pháp qua đi như một cái bóng mây không hơn không kém: lớn lên, đi học, viết một cuốn thơ vài cái kịch, ít truyện ngắn đăng trên các báo rồi mất mà chưa kịp hưởng thụ một tí gì cho cuộc đời…