Hàng loạt dự án xây dựng đường cao tốc trục ngang giao cắt với cao tốc trục dọc Bắc - Nam ở khu vực phía Nam đang “chạy nước rút” để hoàn thành những công đoạn cuối cùng.
Hiện nay ở phía Nam, dự án cao tốc trục dọc vẫn tiếp tục thi công với trọng tâm là tuyến Cần Thơ đi Cà Mau dài 110km. Tuy nhiên, các dự án quan trọng và có vai trò thiết thực kích thích kinh tế xã hội các địa phương lại là những tuyến cao tốc thuộc trục ngang. Trong đó, quan trọng nhất là tuyến Bến Lức - Long Thành.
Với chiều dài khoảng 58km, đi qua 3 địa phương là Long An, TPHCM và Đồng Nai, cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến cao tốc trục ngang quan trọng nhất ở phía Nam. Dự án này có điểm đầu ở huyện Bến Lức, kết nối với cao tốc trục dọc TPHCM - Trung Lương, điểm cuối kết thúc tại huyện Long Thành, kết nối với Quốc lộ 51. Đặc biệt, dự án cùng với đường Vành đai 3 TPHCM tạo thành vòng tròn khép kín. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp các phương tiện từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long di chuyển tới TP Vũng Tàu, sân bay Long Thành mà không phải di chuyển qua trung tâm TPHCM, giảm áp lực cho đô thị này. Vừa qua, dự án cũng điều chỉnh quy hoạch, xây thêm đường dẫn kết nối với huyện đảo Cần Giờ (TPHCM), là tuyến đường bộ đầu tiên nối với huyện đảo này. Sau một thời gian tạm ngưng, dự án đã khởi động trở lại thi công nhiều gói thầu và dự kiến sẽ hoàn thành vào thời điểm cuối năm 2025.
Tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dài 54km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với mục đích giảm tải cho quốc lộ 51 hiện hữu và tăng thêm hiệu quả khai thác của sân bay Long Thành khi hoàn thành. Cao tốc này cùng với Bến Lức - Long Thành cũng được kỳ vọng giảm áp lực cho tuyến trục dọc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây khi hoàn thành. Cũng như các dự án cao tốc trục ngang, tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu cũng sẽ kết nối vào cao tốc trục dọc Bắc - Nam tại nút giao ở huyện Long Thành.
Trong khi đó, dù chỉ dài khoảng 27km nhưng tuyến cao tốc trục ngang Cao Lãnh - An Hữu nằm ở địa bàn tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp lại có ý nghĩa hết sức quan trọng với địa phương. Được khởi công tháng 6/2023, dự án đang khẩn trương thi công đồng thời nhiều hạng mục và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 tới để kết nối các đô thị Cao Lãnh, Hồng Ngự, Long Xuyên với trục cao tốc Bắc - Nam. Việc hoàn thành tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cùng với đoạn cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài 95km) đang được nâng cấp sửa chữa lên tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe sẽ giúp nhiều đô thị lớn ở khu vực này tiếp cận mạng lưới cao tốc dễ dàng hơn. Ngoài ra, tuyến cao tốc trục ngang khác là Mỹ An - Cao Lãnh cũng đang gấp rút hoàn thành thủ tục để khởi công sẽ tạo diện mạo mới hạ tầng ở khu vực này.
Cũng đặt ra mốc hoàn thành vào cuối năm 2025 là tuyến cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành dài gần 73km đi qua 4 địa phương Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Dự án này từng được triển khai từ năm 2009 nhưng bị đình trệ nhiều năm và được tái khởi động hồi tháng 11/2023 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 11/2025. Dự án có vai trò quan trọng kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ, TPHCM với khu vực Tây Nguyên.
Cuối cùng, dự án cao tốc trục ngang quan trọng nhất ở khu vực phía Nam là tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài gần 190km được khởi công tháng 6/2023; đi qua 4 địa phương là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với quy mô ban đầu là chuẩn cao tốc 4 làn xe, sẽ nâng cấp thành 6 làn. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027 nhưng có thể hoàn thành một số đoạn cuối năm 2025 tới. Trục Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ kết nối với trục dọc Bắc - Nam và kết nối hàng loạt đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khác như thành phố Châu Đốc, Long Xuyên, Vị Thanh, Ngã Bảy, Sóc Trăng… với Cần Thơ cũng như xoá thế “vùng trũng” cao tốc của các đô thị này.
Vai trò của trục dọc cao tốc Bắc - Nam rất quan trọng và không thể thiếu nhưng trong thời gian tới, các tuyến cao tốc trục ngang mới thực sự giúp thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Nam, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc rộng khắp tới hầu hết các đô thị trong vùng.