Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm thứ Sáu tới đây tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được xem như một cơ hội để hai siêu cường xóa bớt hiềm khích, nhưng cũng không kém phần rủi ro khi viễn cảnh Nga-Mỹ hợp tác đang dần phai nhạt dưới thời ông Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters).
Căng thẳng bủa vây
Trong khoảng thời gian thực hiện chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 2016, người ta thường thấy tỷ phú Donald Trump đưa ra tuyên bố: “Chúng ta sẽ có một mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin và nước Nga”. Nhưng giờ đây, trong lúc chịu nhiều cáo buộc rằng chiến dịch của ông có liên quan tới Nga, ông Trump sẽ phải gặp gỡ lãnh đạo Nga trong một bầu không khí khó xử.
Cuộc nói chuyện đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/7 tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức. Có rất nhiều vấn đề thảo luận mà cả hai bên đã dự tính sẵn, bao gồm cuộc xung đột ở Syria và Ukraine, chương trình hạt nhân Triều Tiên và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Đối với ông Trump, thách thức lớn nhất của ông trong cuộc gặp gỡ này sẽ là làm thế nào để cải thiện mối quan hệ với ông Putin mà vẫn tránh thể hiện sự yếu đuối đối với người đàn ông mà các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc là đã can thiệp vào bầu cử ở Mỹ hồi năm ngoái.
“Tổng thống Trump sẽ cần phải tỏ ra hòa nhã, nhưng kiên định và không quá thân mật” – Michael O’Hanlon, chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, nhận định – “Nếu ông ấy muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, ông ấy cần phải đề cập tới các mối quan ngại liên quan tới Nga gần đây trước”.
Chiến thắng ngoạn mục của ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái từng được dự kiến sẽ mang lại một luồng sinh khí mới cho mối quan hệ giữa Moscow và Washington.
Thế nhưng mối quan hệ đó càng trở nên lạnh nhạt hơn cả dưới thời chính quyền Barack Obama, khi mà việc Nga hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở thành mối quan ngại của Washington. Moscow từng tỏ ra tức giận khi chính quyền Trump chỉ thị vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào lực lượng chính phủ Syria hồi tháng 4 vừa qua để đáp trả cáo buộc nước này tấn công hóa học.
Các vòng đàm phán giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Nga và Mỹ được lên kế hoạch hồi tháng trước cũng bị Nga hủy bỏ sau quyết định mở rộng các lệnh trừng phạt Moscow mà Mỹ đưa ra. Thêm vào đó, một cuộc điều tra mà FBI thực hiện nhằm cáo buộc Nga can thiệp bầu cử của Mỹ - điều mà Tổng thống Trump từng chỉ trích là “thông tin giả mạo” – cũng khiến cho mối quan hệ hai nước trở nên rắc rối hơn. Hiện nay, Tổng thống Trump vẫn chưa trao trả lại 2 khu phức hợp ngoại giao của Nga ở Maryland và New York, vốn đã bị đóng cửa theo chỉ thị của người tiền nhiệm của ông hồi tháng 12 năm ngoái. Dù vẫn chưa đạt được bước tiến nào về vấn đề này, nhưng ít nhất cả hai bên cũng thể hiện mong muốn thúc đẩy giảng hòa.
Tạo dựng quan hệ tốt
Trước khi Tổng thống Putin có chuyến thăm tới Hamburg, Đức để tham gia kỳ họp thượng đỉnh G20, một cố vấn thân cận của ông là Yuri Ushakov, đã nói rằng cuộc họp này đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định quốc tế và nó mang lại lợi ích cho cả Nga và Mỹ trong việc “phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ song phương”.
Trong khi đó, ông HR McMaster,cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, nói rằng không có chương trình nghị sự đặc biệt nào trong cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo Nga-Mỹ sắp tới, thêm rằng mục đích chính là thiết lập “một mối quan hệ mang tính chất xây dựng hơn”.
Lãnh đạo Nga, Mỹ có khả năng sẽ tìm thấy điểm chung khi thảo luận về cách thức đối phó với tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong bối cảnh thành trì của chúng - ở Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) – đang dần tới hồi sụp đổ.
Nhưng đối với ông Trump – người vẫn bị coi là thiếu kinh nghiệm ngoại giao – thì việc phải đàm phán với một nhà lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm đã nắm quyền lực trong suốt gần 2 thập kỷ là điều nhạy cảm và khiến giới chức Mỹ quan ngại. Tổng thống Trump hồi tháng 5 vừa qua từng bị cáo buộc đã để lộ thông tin tình báo nhạy cảm cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc họp tại Nhà Trắng.
Theo giới chuyên gia, điều mà người ta có thể hy vọng nhiều nhất trong cuộc gặp hôm thứ Sáu tới là sự tan băng nhẹ nhàng trong mối quan hệ Nga-Mỹ, và một số hành động thân thiện giữa lãnh đạo hai bên.
“Khó có thể đạt được bước đột phá lớn nào nếu xét trong bối cảnh đầy căng thẳng như hiện nay” – ông O’Hanlon nhận định và cho rằng: “Tôi chỉ có thể hy vọng rằng họ ít nhất sẽ phát triển được mối quan hệ cá nhân, dọn đường cho các vòng đàm phán tiếp theo về Syria”.