Cuộc thi được tổ chức từ ngày 18/9 đến 4/10, nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa thông tin chính thức về “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020”.
Cuộc thi được tổ chức từ ngày 18/9 đến 4/10, nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Cuộc thi năm nay thu hút số lượng thí sinh đăng ký tham gia khá lớn, gồm 650 thí sinh và 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Theo dự kiến ban đầu, cuộc thi được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nhưng do tình hình dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Ban Tổ chức quyết định thi tại 5 địa điểm trên cả nước. Đó là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (ngày 18 và 19/9); thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 21 đến 23/9); thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (ngày 25 và 26/9); thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 28/9) và thành phố Hà Nội (từ ngày 30/9 đến ngày 2/10). Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải cuộc thi diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) vào 9h ngày 4/10.
Các thí sinh dự thi được chia theo 4 bảng: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc; hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, học viện âm nhạc, nhạc viện; độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc; độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị ca múa nhạc, học viện âm nhạc, nhạc viện và các nghệ sĩ ngoài công lập.
Theo Ban tổ chức: “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020” là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ đó có những chính sách về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.
Hội đồng giám khảo gồm 7 thành viên là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Toàn bộ cuộc thi được phát trực tuyến trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện phát trực tuyến cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc trên kênh Youtube.