Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2016, người lao động được quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, do một số vướng mắc khi thực hiện nên từ năm 2017, người lao động mới được trả sổ.
Theo quy định của Luật BHXH, người lao động sẽ giữ toàn bộ chứng từ gốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ chứng từ điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý.
Về việc trả sổ chưa đúng như tiến độ, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn về rà soát, nhập thông tin của người lao động vào cơ sở dữ liệu điện tử. Vì vậy, cuối năm 2017, hoặc chậm nhất tới đầu năm 2018 sẽ hoàn thành công tác trả sổ BHXH cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp phá sản, nợ đọng thì BHXH Việt Nam sẽ thực hiện chốt sổ đến thời điểm mà đơn vị đóng cho người lao động.
Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động hàng tháng được công khai, được trả cho người lao động thì họ sẽ biết được chủ doanh nghiệp có đóng đủ cho mình, thời gian đóng, mức lương đóng đúng cho người lao động không. Như vậy, người lao động sẽ tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Doanh nghiệp phải công khai đã đóng cho người lao động mức lương bao nhiêu và đã đóng đủ thời gian chưa.
Theo Luật BHXH sửa đổi 2014 có hiệu lực đầu năm 2016, người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động giữ như hiện nay.
Hàng năm, người lao động sẽ được đơn vị Bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu chủ sử dụng lao động và cơ quan cung cấp thông tin.
Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động và công khai thông tin do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp.
Đa số người lao động ủng hộ việc trả sổ BHXH, có thể theo dõi thường xuyên đảm bảo quyền lợi của mình trong thời gian làm việc.
“Tôi làm ở công ty đã được gần 10 năm rồi, nhưng từ ngày tôi vào làm đến giờ, tôi chưa được nhìn thấy cái sổ bảo hiểm xã hội trông như thế nào. Nguyện vọng của chúng tôi cũng muốn nhìn xem sổ của chúng tôi được doanh nghiệp đóng như thế nào và có đúng hay không” - chị Hoàng Mỹ Hạnh, một công nhân trao đổi.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị vẫn giữ lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động do sợ người lao động sơ ý làm mất sổ, khó giải quyết các công việc liên quan.