Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn chồng chất. Mở cửa, “sống chung” với Covid-19. Các DN đang nỗ lực khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để vay được vốn cũng không hề dễ dàng.
Doanh nghiệp “khát vốn”
Về chuyện tìm kiếm vốn của các DN trong ngành dệt may nhằm phục hồi sản xuất vào thời điểm cuối năm 2021, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtek) cho biết, các DN nhỏ hiện gặp nhiều khó khăn khi tiêu chí cho vay của phía ngân hàng không thay đổi.
Trong khi đó, DN đang đối mặt với rất nhiều chi phí, giá nguyên vật liệu tăng cao và thậm chí là bỏ hết nguồn tiền ra để bù lỗ. Theo ông Việt, nếu phía ngân hàng tiếp tục theo các quy chế như phải có tài sản bảo đảm, có doanh thu, có lợi nhuận, có các phương án khả thi thì các DN nhỏ sẽ khó tiếp cận được.
“Tôi đề nghị phía ngân hàng có thể phải thay phương án tiếp cận khác cho tốt hơn cả hai bên để có thể cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế về sau” - ông Việt nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Agtek lưu ý các DN trong ngành vừa trải qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng và đặc biệt đứt gãy chuỗi tiêu thụ nên ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của họ (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa so với các DN lớn vẫn đang kiểm soát được dòng tiền). Khi đầu ra khó khăn, có những đơn hàng xuất khẩu mà DN trong nước chấp nhận giảm giá 25% và cho phía đối tác chậm thanh toán từ 3 - 6 tháng.
Dù đang là mùa cao điểm cuối năm, nhưng theo ông Việt, với các DN nhỏ chuyên sản xuất để tiêu thụ trong nước hay chỉ xuất khẩu trong thị trường ASEAN đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Song song đó là chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng, nên các DN cần có một nguồn tiền để phục hồi và phát triển sản xuất vào thời điểm này.
Việc phục hồi sản xuất vào thời điểm cuối năm có sự liên hệ chằng chịt giữa đầu vào và đầu ra đang là thách thức lớn với nhiều DN dệt may nói riêng và các DN khác nói chung. Thứ nhất là nợ tồn đọng cần phải giải quyết nhằm phục hồi. Thứ hai là đưa DN trở về trạng thái bình thường. Thứ ba là phục hồi để phát triển vào dịp Tết.
Còn theo TS Nguyễn Hoàng Bảo (Trường Đại học Kinh tế TP HCM), các gói hỗ trợ hiện nay tuỳ thuộc vào mức độ “khát” vốn và cũng tuỳ thuộc vào vấn đề nợ tồn đọng của DN. Riêng ở TP HCM với 2 khu vực kinh tế là chính thức và phi chính thức thì đa số gói hỗ trợ đang nhắm vào khu vực chính thức.
Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng khu vực phi chính thức lại là thành phần bị thiệt hại nặng nề nhất trong các đợt dịch Covid-19, vì vậy trong các gói hỗ trợ cần có sự công bằng giữa hai khu vực này.
Cần hỗ trợ đúng chỗ
“Các gói hỗ trợ cần tạo ra cấp số nhân (như về tạo việc làm, tạo giá trị gia tăng) cùng với chính sách kích cầu để cỗ máy kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Còn nếu gói hỗ trợ chỉ cần không đúng, chỗ đáng hỗ trợ lại không có, còn chỗ không cần hỗ trợ lại được hỗ trợ sẽ dẫn đến tình trạng vô hiệu hoá, không kích cầu. Nếu như thế thì dòng tiền sẽ bị lãng phí đi rất nhiều” - TS Nguyễn Hoàng Bảo phân tích.
Về mức độ của các gói hỗ trợ, theo chuyên gia này, nếu đưa ra các gói hỗ trợ “lơ lửng”, không đủ để DN phục hồi lại trạng thái bình thường mới hoặc đưa ra các gói hỗ trợ khiêm tốn cũng không thể mang lại hiệu quả.
“Chẳng những cấu trúc của hỗ trợ (tức là thành phần nào, đối tượng nào) mà còn quy mô của gói hỗ trợ rất quan trọng, miễn sao mang lại hiệu quả cho nền kinh tế là được” - ông Bảo nói.
Nhiều DN ở TP HCM cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ tốt nhất là nên phân loại ra các nhóm ngành nghề để có sự hiệu quả hơn so với việc hỗ trợ chung. Về phía các ngân hàng, nếu muốn hỗ trợ DN trong giai đoạn này đòi hỏi phải thay đổi các tiêu chí tiếp cận vốn vay.
Ngân hàng có thể tìm kiếm các DN “trung tâm” - có quá trình hoạt động về sản xuất và xuất khẩu với một chuỗi cung ứng đi theo nhằm hỗ trợ vốn vay cho các DN này. Đó sẽ là cách hỗ trợ tốt, kéo giảm được chi phí, có tính bền vững hơn so với việc cho vay thế chấp bằng tài sản và kiểm soát các dòng tiền như hiện nay.
Có một thực tế là nhiều ngân hàng hạn chế cho vay với những ngành hàng có nhiều rủi ro hoặc là nếu vay được thì cũng ở mức lãi suất cao. DN cũng không thể kinh doanh có lãi để trả lãi cho ngân hàng. Cộng thêm chi phí sản xuất cao ở nhiều khâu như lao động, nguyên vật liệu thì DN khó phục hồi.
Về phía doanh nghiệp, lúc này cũng cần tái cấu trúc đồng bộ về dòng tiền từ đầu vào cho đến đầu ra, về công nghệ, năng lực sản xuất, nguồn lao động, tiết giảm các chi phí, những giải pháp hỗ trợ ngược lại từ phía đối tác có tiềm lực mạnh… Dòng vốn của doanh nghiệp sẽ đi qua những công đoạn như vậy, và khi doanh nghiệp tái cấu trúc sẽ kiểm soát được dòng tiền nhằm có đủ nguồn vốn cho kinh doanh trong thời gian tới.