“Cuối năm về quê tạ mộ/ Biết thời gian lắm hanh hao/ Nhưng sao thấy lòng se lạnh/ Chuyện xưa nhớ đến cồn cào”. Thường là vào cuối năm, tầm từ tháng Một ta cho đến tháng Chạp, đông nhất là sau Tết ông Công ông Táo là dịp mọi người về quê ra đồng làm lễ tạ mô (có nơi gọi là “tảo mộ”). Đây là nét đẹp hòa trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Sau một năm làm lụng, lo toan thì ngày về quê ra đồng tạ mộ là cách để những người còn sống bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ tổ tiên, là cách để những người còn sống báo hiếu ông bà cha mẹ. Ngày tạ mộ mọi người ăn vận chỉn chu cũng là để người đã khuất biết được trong một năm qua con cháu đã phương trưởng ra sao…
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự thể hiện lễ nghĩa, có trước có sau, luôn nhớ ơn đến người đã khuất. Vào ngày về quê ra đồng tạ mộ, người còn sống thường đưa cả gia đình của mình, bao gồm vợ chồng, con cháu cùng về. Người có hiểu biết thì giảng giải cho lớp cháu con còn chưa hiểu biết rằng: “Có trước có sau. Có nhân có nghĩa là đạo lý, là truyền thống và là điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh”. Người Việt thường cho rằng: “Những gì mình có được hôm nay là nhờ vào sự phù hộ độ trì, là nhờ vào đức độ của người đã khuất”.
Bởi thế cho dù bận rộn đến đâu, thời gian eo hẹp đến đâu thì ngày cuối năm nhất định phải về quê, thành tâm kính cáo ông bà tổ tiên, thành tâm nói với cha mẹ về những việc mình đã làm được trong một năm. Đồng thời “mời các cụ” cùng về ăn tết để phù hộ độ trì cho con cháu sang năm mới làm ăn tấn tới, sức khoẻ an khang thịnh vượng.
Chuyện ra đồng tạ mộ ngày cuối năm không rõ có từ bao giờ. Theo thời gian và theo xu hướng phát triển của đời sống xã hội mà mọi người chú tâm hơn. “Mẹ cha ta xưa túng khó/ Quanh năm tất bật lo làm/ Chỉ mong cháu con luôn nhớ/ Tâm thanh khỏi thẹn với làng”. Ngày trước đi tạ mộ khá đơn giản, không phải vì không thật tâm với ông bà tiên tổ mà là vì ngày trước còn khó khăn. Chính sự khó khăn xưa cũ ấy mà lễ tạ cũng khiêm nhường. Cái chính là dịp bày tỏ lòng thành, bày tỏ sự luôn tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ.
Thời tôi còn nhỏ, hễ nghe nói ra đồng tạ mộ là rộn ràng háo hức bởi từ những mấy hôm trước đã thấy cha mẹ tôi người lo mua nhang mua hương, người lo làm thịt con gà, nấu đĩa xôi. Trẻ con trông thấy thế đứa nào chả thích nhưng cái háo hức rộn ràng tuy còn trẻ con ấy có được là những lời giảng giải của cha của mẹ. Cha tôi ít nói, ông chỉ ngắn gọn một câu: “Mày xuống bếp xem mẹ sai gì thì đỡ mẹ”. Thế thôi, tôi chạy ào xuống bếp, mẹ tôi bảo: “Ra đống rơm rút cho mẹ ôm rơm để mẹ thổi xôi”. Tôi ôm rơm tới thì mẹ lại bảo: “Con sang nhà bác Mai xin cho mẹ tàu lá chuối rồi rửa sạch lau khô để mai ra đồng trải trên mộ làm chỗ bày lễ”.
Vậy thôi, lễ tạ mộ được bày trên những tàu lá chuối đơn sơ, cha tôi giảng giải “Đặt lễ trên lá chuối mới độ. Đặt trên mâm đồng mâm nhôm không hay con ạ. Đồ kim loại không hợp với người đã khuất”. Tôi thôi không thắc mắc nữa vì thấy lời nói của cha tôi rất hay. Tạ mộ là sắm sửa rồi bày đặt những thứ dân dã, những thứ do chính tay mình làm ra. Cách thức thế nó mới nói đúng được hiện trạng của những người còn sống và như thế người đã khuất mới thấy gần gụi, mới thấy như vẫn đâu đây như cây trong vườn nhà mình, như gà trong chuồng nhà mình, như hạt thóc nếp trong ruộng nhà mình và tất cả đều do tay mình làm ra.
“Ta nhớ ngày xưa ta bé/ Cuối năm theo mẹ ra đồng/ Nay ta dắt con viếng nội/ Khói hương nhòe mắt nghẹn lòng…”.