‘Cứu’ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19: Cần giải pháp sát thực tiễn

Minh Phương 30/08/2021 07:37

11 vạn – là số doanh nghiệp (DN) ước tính phải rút khỏi thị trường mỗi tháng. Con số chính xác còn lớn hơn nhiều.

Điều này cho thấy, sau 4 làn sóng dịch Covid-19, các DN Việt ngày càng yếu dần. Với hơn 94% DN hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chắc chắn khả năng chống chịu của cộng đồng DN trước đại dịch là rất mong manh.

1 tháng - Hơn 11 vạn DN rút khỏi thương trường

Khởi nghiệp bằng ngành dịch vụ khách sạn từ năm 2005, sau hơn 15 năm hoạt động mở được 2 hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Sa Pa (Lào Cai), thời điểm này chị Nguyễn Thúy Hiền, chủ chuỗi nhà hàng Indigo tại thị trấn Sa Pa không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến chuỗi nhà hàng của mình ngưng hoạt động hơn 1 năm nay. Theo chia sẻ của chị, dịch bệnh hoành hành suốt hai năm qua khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ không thể tồn tại được.

“Trong suốt thời gian ngừng hoạt động chuỗi nhà hàng, tôi đã phải xoay sở nhiều cách để giữ cho bằng được hệ thống. Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và ngày càng có xu hướng phức tạp hơn với những biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh không biết khi nào mới chấm dứt, để có thể hoạt động bình thường trở lại. Trước tình hình đó, tôi đã tính đến phương án phải chuyển hẳn sang ngành kinh doanh khác”- chị Hiền chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngành du lịch, dịch vụ suy sụp. Đây cũng chính là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi tháng, cả nước có khoảng 11.700 DN buộc phải rút lui khỏi thương trường. “Những tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến DN khó có thể trụ vững, nhiều DN lớn thời điểm này cũng đang ở tình trạng cầm cự” – TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ như vậy khi nói về bức tranh cộng đồng DN hiện nay.

Số liệu thống kê cho biết, hiện cả nước có khoảng 870 nghìn DN hoạt động, cùng với đó là 26.000 hợp tác xã và 5,1 triệu hộ kinh doanh. Song trong số 870 ngàn DN kia, chiếm tới 94% là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ khoảng 6% số DN có quy mô vừa và lớn. Những con số nói trên càng cho thấy nguy cơ và khả năng chịu đựng của cộng đồng DN trước đại dịch là rất mong manh.

Giảm giá điện lần 5 cho DN gặp khó vì Covid-19

Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trước những tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 tới nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN. Cụ thể, để tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3-6 tháng.

Mới đây nhất, ngày 28/8, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: DN chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; DN chế biến và bảo quản rau quả; DN sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra các khách hàng mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác cũng được hỗ trợ giảm giá điện. Mức giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng trên.

Bên cạnh những nỗ lực về giảm chi phí cho cộng đồng DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó đưa ra mục tiêu: Sớm kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi lại sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó giảm thiểu tối đa số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch Covid-19...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thời gian qua đã góp phần chia sẻ, tháo gỡ một phần khó khăn cho cộng đồng DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trước khó khăn của dịch bệnh. Tuy vậy, để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Cứu’ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19: Cần giải pháp sát thực tiễn