Ngày 31/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khiến Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank) thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng bước vào phiên tranh tụng.
Bị cáo Phạm Công Danh trước tòa.
Trình bày tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét vì cơ quan công tố đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với bị cáo là mức phạt quá nặng và đề nghị xem xét lại tội cố ý làm trái, giúp sức đắc lực cho bị cáo Phạm Công Danh. Quá trình tại cơ quan điều tra, bị cáo cũng thành khẩn, khai báo rõ ràng từng chi tiết, không cố ý gây ra hậu quả ngày hôm nay, do đó mong muốn HĐXX xem xét để bị cáo sớm được hòa nhập xã hội. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trầm Bê đề nghị giải tỏa kê biên tài sản nhà đất tại đường An Dương Vương, quận Bình Tân (TP HCM và số 601 Hồng Bàng (Q.6, TP HCM) do là tài sản chung của hai vợ chồng.
Tiếp lời bị cáo Trầm Bê, luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, như bị cáo Trầm Bê lần đầu phạm tội, là người có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện xã hội, bệnh tật (suy thận, tiểu đường) và thời gian tạm giam bị cáo đã 1 năm trong tình trạng thường xuyên phải nằm viện nên đề nghị tuyên mức án khoan hồng, không cần thiết phải cách ly bị cáo Trầm Bê ra khỏi xã hội.
Tại tòa, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến quá trình phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh. Nhất là đối với số tiền 4.500 tỉ đồng ông Danh được cho dùng để nâng vốn điều lệ cho VNCB và sai phạm có thể bóc tách ra khỏi tổng số thiệt hại do tội “cố ý làm trái” của vụ án. Cả bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ VNCB) cũng khẳng định khoản tiền này đã hoà vào dòng tiền chung của VNCB, nay là CB Bank, trong khi quan điểm của cơ quan công tố vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, số tiền trên không thể bóc tách.
Khi tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục cho rằng bản thân ông và các đồng phạm không sử dụng số tiền trên vì mục đích cá nhân mà tất cả dùng vào lợi ích của quá trình tái cơ cấu VNCB, cụ thể là trong các hoạt động tăng vốn điều lệ (từ 3.000 tỷ đồng lên 7.400 tỷ đồng). Vì vậy, bị cáo Phạm Công Danh bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét lại các cáo buộc của cơ quan công tố theo hướng giảm nhẹ hình phạt và tạo điều kiện để bị cáo khắc phục hậu quả của vụ án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cũng kiến nghị thu hồi từ Sở Giao dịch II Ngân hàng BIDV 1.176 tỉ đồng; BIDV Chi nhánh Hải Vân 457 tỉ đồng; thu hồi số tiền lãi vay và lãi phạt BIDV được hưởng hơn 227 tỉ đồng; thu hồi từ bà Hứa Thị Phấn số tiền 600 tỉ đồng; từ ông Trần Quý Thanh 515 tỉ đồng; bà Trần Ngọc Bích 43 tỉ đồng; lãi vay mà Sacombank được hưởng 33 tỉ đồng;…Bởi vì, thời điểm mà bị cáo Danh gửi tiền tại các ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank đều có sự giám sát của NHNN nên dòng tiền này phải được phục hồi lại cho VNCB, từ đó bị cáo mới có cơ sở khắc phục hậu quả của vụ án này.