Nhiều triệu m3 cát khai thác trái phép mỗi năm, nguy hại hơn sự sạt lở của những dòng sông và sự tận diệt hệ thống sinh thái dưới sông ngày diễn ra nghiêm trọng. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời chưa bao giờ thỏa đáng, khi lợi lộc từ việc khai thác cát trái phép, đang tạo thế vững chắc cho mối quan hệ tư thương và những người trong cuộc. Vì thế việc dẹp cát tặc cần thêm liều thuốc mạnh mới có thể hiệu quả.
Tàu hút cát khiến những dòng sông bị tổn thương.
Vừa cách đây một ngày, các lực lượng chức năng đã bắt và tạm thu giữ 6 tàu hút cát quy mô lớn tại đoạn sông Uông, địa phận TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, 6 tàu của nhiều chủ hàng khác nhau đều không xuất trình giấy tờ đăng ký đăng kiểm, thậm chí không có chức năng khai thác cát, sỏi tại đoạn sông nạo vét do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép. Ước tính mỗi ngày mỗi tàu tận thu khoáng sản khoảng 500 đến 700m3 cát, sỏi.
Trước đó, cơ quan chức năng huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cũng tạm thu giữ và xử lý 2 tàu khai thác cát nước mặt tại vùng biển Ngọc Vừng. Mỗi tàu này mỗi ngày cũng “khuân đi” khoảng 500m3 cát, bất chấp tỉnh Quảng Ninh đã có lệnh cấm khai thác tại đây.
Trong tháng 3 vừa qua, tại đoạn sông Hồng, giáp ranh giữa TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng đã tạm giữ và xử lý 13 phương tiện khai thác và vận chuyển cát trái phép gồm 4 tàu cuốc, 2 tàu hút và 7 tàu chở cát có trong tải 500 tấn. Tại thời điểm xử lý, hàng chục nghìn m3 cát đã được tư thương kiếm lợi từ những khu vực không có trong vùng được cấp phép.
Một tuần cách đây, cơ quan chức năng đã tạm thu giữ và xử lý 5 tàu hút cát tại cửa biển huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. 5 tàu có trọng tải 1.000 tấn, khai thác cát trái phép, khi không có bất cứ giấy tờ liên quan đến vùng khai thác.
Thật khó có thể liệt kê hết số lượng tàu, bè bị xử lý vì khai thác và vận chuyển khoáng sản cát trái phép trên toàn quốc. Mặt trận các cấp đã vào cuộc chống lại nạn cát tặc. Nhiều tỉnh thành đã phát lệnh cấm khai thác để tổng thanh tra. Nhiều tổng cục, cục, ngành đã phải rà soát, kiểm tra. Sông, ngòi đang kêu cứu. Tình trạng sạt lở bờ sông đang phổ biến. Nhiều hệ sinh thái, thực vật ven bờ, thủy sinh động, sinh vật đáy sông, cù lao, cồn cát… vì thế mà tận diệt.
“Trong vùng” và “ngoài vùng”, là 2 cụm từ được dùng cho khai thác cát hiện nay. Trong vùng, tức khu vực được chính quyền phê duyệt. Đây là các dự án nạo vét luồng, nạo vét lòng sông, hoặc vùng khai thác cát đặc thù. Ngoài vùng, tức khu vực khai thác cát không được phép.
Thực tế, trên một đoạn sông trong vùng và ngoài vùng, ranh giới rất mong manh. Tàu hút cát chỉ theo luồng ra ngoài 1m mặt nước, cát được “thu hoạch” đã là trái phép. Đây chính là câu chuyện nhập nhèm khiến nhiều cơ quan chức năng “biết” nhưng “không thể xử lý”. Có thể ví dụ đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Phú Thọ. Nửa sông bên này thuộc địa bàn Phú Thọ, nửa sông bên kia thuộc Vĩnh Phúc.
Tỉnh Vĩnh Phúc cho phép các tàu hút cát khai thác khu vực sông của địa bàn. Các tàu dăng ra giữa sông và ban ngày khai thác đúng vùng được phép. Đêm đến, nhờ hệ thống xà lan kéo dẫn, tàu hút cát lấn sang nửa sông phía Phú Thọ khai thác. Hàng nghìn m3 cát đã được khai thác qua “ranh giới mỏng manh” ấy. Phát hiện tàu bè chức năng kiểm tra, tàu hút cát chỉ mất vài phút là về “vùng trong” cho phép.
Có hàng ngàn cách “lách” luật. Một tàu hút cát nếu “trúng vỉa và thuận buồm xuôi gió” một năm trừ các chi phí hoạt động sẽ sinh lời 3 đến 5 tỷ đồng. Con số của một chủ cựu làm cát tại Phú Thọ, phát ngôn cho thấy “sức hấp dẫn” và nếu “lách” được hoặc kể cả khi làm trái, tư thương sẽ không ngần ngại thực hiện.
Miền Bắc, có hơn 100 khu vực khai thác cho phép, miền Nam hơn 120 khu vực. Con số m3 cát chiểu theo nộp thuế từ năm 2.000 đến nay khoảng 200 triệu m3. Khó lường hết con số nhiều triệu m3 cát trái phép đã được khai thác trong thời gian qua. 1/3 trong số này được dùng trong nước. 2/3 còn lại theo sông ra biển sang Trung Quốc.
Trách nhiệm thuộc đơn vị cấp phép, quản lý hay công tác thanh kiểm tra?
Thực tế từ địa phương cho thấy ở những vùng khai thác cát trái phép, người dân thường tiên phong thông báo cho cấp chính quyền sở tại. Có lẽ vì ăn chia, bảo kê, hoặc chủ tàu có quan hệ đẳng cấp và đặc biệt có được nguồn kinh tế dồi dào từ cát tặc, tình trạng tồn tại vẫn từ năm này qua năm khác? Đây dường như là điều cốt lõi của câu cửa miệng “biết nhưng không thể làm gì được”, bởi vì bản thân địa phương và người trong ngành, chính là nơi đang sáng tạo ra những chiêu cho tư thương lách luật. Tàu hút sờ sờ. Bãi vật liệu hiển hiện. Không thể ngày một ngày hai để nói rằng không biết và không thể xử lý.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nếu địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Vậy đã bao nhiêu người đứng đầu bị xử lý, khi những tàu cát bị thu giữ ngày càng nhiều? Đó chưa kể, 3 đến 5 tỷ đồng lợi nhuận, thì vài triệu tiền phạt thậm chí ai đó liên đới hình sự, tư thương cũng dám trả giá.
Tăng trưởng nóng những năm qua đang khiến các dòng sông bị ô nhiễm ngày một tăng lên. Lại thêm nạn khai thác khoáng sản trong lòng sông đang khiến số phận những con sông đang bị đe dọa. Cạn kiệt tài nguyên nước không còn là chuyện xa xôi. Không thể bỏ mặc những dòng sông thêm được nữa. Những động thái xử lý tích cực hiện nay liệu có muộn? Cuộc chiến với cát tặc, khi các con sông oằn mình kêu cứu vì sạt lở và ô nhiễm, liệu đến lúc phải thực sự bằng những chế tài đủ mạnh?