Chúng ta đang sống trong thời bình, thừa hưởng độc lập, tự do mà ông cha ta, những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu và tuổi trẻ để góp công tạo dựng, gìn giữ. Sự hy sinh cao cả ấy chứa đựng cả những công lao của nhiều thế hệ thanh niên xung phong (TNXP), sẵn sàng quên mình để phụng sự Tổ quốc. Vì vậy, sự ghi nhận đối với những cựu TNXP của thế hệ ngày nay là điều cần thiết và xứng đáng.
Chính sách với cựu TNXP còn nhiều thiếu sót
Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam, lực lượng TNXP Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và đào tạo từ năm 1950 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đã có trên 600 nghìn TNXP hoàn thành nhiệm vụ, chuyển về các cơ quan Nhà nước và địa phương để tiếp tục công tác. Tuy nhiên, do điều kiện của đất nước sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước chưa có điều kiện quan tâm tốt nhất.
Năm 2017, theo nguyện vọng của các cựu TNXP tham gia giải phóng đất nước qua các thời kỳ, Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam đã tập hợp ý kiến báo cáo Đảng và Nhà nước. Qua ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành, Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư đã đồng ý, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản số 3257-CV/VPTW ngày 7/2/2017 thông báo Kết luận của Ban Bí thư gửi Chính phủ và Quốc hội thống nhất cho sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho TNXP Việt Nam.
Tuy nhiên đến nay, Luật Thi đua, khen thưởng vẫn chưa được sửa đổi.
Cựu TNXP xứng đáng được ghi nhận
Đồng tình với quan điểm của Hội cựu TNXP Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia và khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng kinh tế sau 1975, thanh niên xung phong là lực lượng có tính chất đặc thù, được huy động làm nhiệm vụ ở những địa bàn trọng điểm, chiến sự diễn ra rất ác liệt, nơi gian khổ, khó khăn để bảo đảm mạch máu giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu và khắc phục hậu quả chiến tranh. Với sự hy sinh thầm lặng đó, những cựu TNXP xứng đáng có được sự ghi nhận từ Nhà nước.
“Trong những chuyến đi công tác, có lần tôi đến thăm nhà một người cựu TNXP đã mất. Người con, người cháu trong gia đình, ai nấy đều tâm tư và mong muốn có một kỷ niệm chương hay tấm bằng ghi nhận treo trên tường để gia đình thêm phần tự hào về ông cha của mình”, ông Năng xúc động kể lại.
Theo ông Nguyễn Tiến Năng, việc phong tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu TNXP Việt Nam là việc làm cấp thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc làm này không chỉ là sự ghi nhận cho thế hệ TNXP đi trước mà còn là niềm tự hào và nguồn cảm hứng với nhiều lớp thế hệ trẻ sau này. Bởi, TNXP là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn cảnh qua từng thời kỳ của đất nước.
“Nếu không có sự ghi nhận thỏa đáng, sau này khi đất nước cần, liệu có còn ai trở thành thanh niên xung phong để tiếp tục phát huy truyền thống cao quý của thế hệ đi trước”, ông Năng trăn trở.
Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cho rằng, trong hai cuộc chiến tranh, sự cống hiến, hy sinh cho đất nước không chỉ riêng lực lượng TNXP mà của toàn Đảng, toàn dân. Bên cạnh TNXP còn nhiều lực lượng khác cũng đồng hành cùng đất nước để gìn giữ độc lập, tự do. Ai cũng đều xứng đáng được vinh danh và ghi nhận.
Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh của mỗi lực lượng cùng sự vận động, thay đổi nhanh của xã hội mà hiện nay các chính sách chưa thể bao quát hết sự ghi nhận này đến tất cả. Nhưng không phải vì thế mà tạm dừng hoặc không tiến hành ghi nhận những đóng góp của lực lượng TNXP.
Ông Phan Diễn mong muốn, Trung ương Hội sẽ nhanh chóng xem xét, giải đáp những vướng mắc. Toàn Hội cùng nỗ lực đem lại sự ghi nhận xứng đáng cho từng hội viên TNXP.
Tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là thực sự cần thiết
Lực lượng TNXP Việt Nam đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đến nay, 42 tập thể và 40 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
Theo ông Vũ Trọng Kim, khi tổng kết thành tích kháng chiến, Đảng và Nhà nước chỉ xét Huân, Huy chương cho các cựu TNXP có thành tích và thời gian tham gia từ 7 năm trở lên. Do vậy, các cựu TNXP tham gia dưới 7 năm đều chưa được khen thưởng.
"Lực lượng TNXP đã tham gia hai cuộc kháng chiến, sát cánh cùng Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng an ninh trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, sau này là chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nên thường có thời gian từ 3 đến 10 năm. Cùng chiến đấu, tham gia trên một chiến trường, một chiến dịch nhưng hai lực lượng quân đội và an ninh đã được Nhà nước xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”, còn lực lượng TNXP thì không có", ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.
Theo ông Kim, sự đối chiếu này cho thấy cái nhìn khách quan về những hạn chế, thiếu sót trong việc ghi nhận danh hiệu đối với lực lượng cựu TNXP. Tuy đã được xem xét và phong tặng Huy chương kháng chiến, nhưng số lượng hội viên được nhận chưa nhiều so với số lượng hội viên toàn Hội.
Mặt khác, khi cơ quan chức năng thẩm định dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng, có ý kiến cho rằng, nếu dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” thì cần đánh giá tác động đầy đủ, bao gồm cả tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, ông Kim cho rằng, dự thảo Luật nếu được sửa đổi và thông qua, khi ra đời sẽ trở thành chính sách đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp thầm lặng trong suốt thời gian chiến tranh đến khi hòa bình của lực lượng TNXP Việt Nam.
Do đó, tác động tích cực của việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Thi đua, khen thưởng về bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là hoàn toàn khả thi.
Nhiều ý kiến còn lo ngại về việc số lượng hội viên cựu TNXP quá lớn, dẫn đến nhiều khó khăn trong thống kê, tổng hợp danh sách phong tặng, cùng với đó là sự cân nhắc về chi phí sản xuất huy chương,...
Theo ông Vũ Trọng Kim, các cấp Hội tại mỗi địa phương trên cả nước đều rất tâm tư và mong muốn có được hình thức ghi nhận xứng đáng cho Hội viên của mình.
“TNXP đã hy sinh cả cuộc đời mình để cống hiến cho đất nước, bây giờ khi đất nước đã hòa bình, độc lập, một tấm huy chương hay tấm bằng ghi nhận, giá trị vật chất tuy không quá cao nhưng chúng mang giá trị tinh thần to lớn đối với họ”, ông Kim khẳng định.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”. Trải qua những thăng trầm, biến cố của đất nước qua từng giai đoạn, TNXP đã luôn sát cánh cùng bộ đội, gìn giữ hòa bình, tự do cho dân tộc, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, tuổi đời của cựu TNXP đã rất cao, từ 70-90 tuổi. Nhiều cựu TNXP trước khi qua đời còn dặn con cháu, đồng đội về mong ước có tấm huy chương “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để ghi nhận thời gian phục vụ đất nước vẻ vang của lực lượng TNXP Việt Nam.
Có thể nói, “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là sự ghi nhận xứng đáng với những thành tính đóng góp của lực lượng TNXP qua các thời kỳ.
Vì vậy, việc phong tặng tấm huy chương này đến cựu TNXP như một lời tri ân đến thế hệ TNXP đi trước đã dày công gìn giữ, bảo vệ hòa bình cho dân tộc, là lời động viên, khích lệ đến thế hệ trẻ mai sau tiếp tục noi gương, phấn đấu trở thành những TNXP gương mẫu đi đầu, không ngại khó khăn, gian khổ, xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.