Ngày 29/5, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Chu Tiến Dũng (SN 1962) - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS); Nguyễn Hoành Hoa - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS và các đồng phạm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong ngày đầu xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng triệu tập đại diện lãnh đạo của CNS hiện nay và nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có Giám định viên Bộ Tài chính. Đối với bị can Vũ Quốc Vinh (đại diện 61% vốn góp của CNS tại công ty CP TIE) do đang bỏ trốn nên Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra, tách thành vụ án khác để xét xử sau. Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra đang tạm giữ số tiền của một số bị can và người liên quan trong vụ án.
Theo cáo trạng, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các sai phạm của CNS được Thanh tra TPHCM ban hành kết luận thanh tra (số 24/KL-TTTP-P6) và chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) từ năm 2019. Đến tháng 1/2021, Cục An ninh kinh tế ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty này.
Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn từ năm 2015-2018, cựu Tổng Giám đốc Chu Tiến Dũng điều hành 2 lần thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty cổ phần TIE nhưng được phát hiện đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 22 tỷ đồng. Cụ thể, trong lần thoái vốn thứ nhất, với nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bị cáo Chu Tiến Dũng cùng bị cáo Nguyễn Hoành Hoa - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của CNS dù biết Công ty cổ phần TIE có phát sinh lợi nhuận từ vốn đầu tư của CNS nhưng vẫn chỉ đạo các đồng phạm điều chỉnh phương án, lộ trình thoái vốn để thu hồi lợi tức phát sinh trước khi thoái vốn. Trong đó, bị cáo Chu Tiến Dũng không triệu tập, tổ chức họp Hội đồng thành viên hoặc lấy phiếu ý kiến của các thành viên HĐTV của CNS theo quy định mà đã ký ban hành quyết định (số 331/CNS-HĐTV) chấp thuận phương án thoái vốn của CNS tại Công ty cổ phần TIE. Sai phạm này của bị cáo Dũng và các đồng phạm khiến CNS thất thoát hơn 3,3 tỷ đồng. Kế đến, ở lần thoái vốn thứ 2 vào năm 2017, HĐQT của Công ty cổ phần TIE ra nghị quyết về việc thanh toán cổ tức (năm 2015), trong đó chốt danh sách và thời gian chi trả cổ tức vào tháng 3/2017. Tuy nhiên, tại thời điểm này do CNS đã chuyển nhượng hết cổ phiếu sở hữu tại TIE nên đã bị mất quyền hưởng cổ tức này.
Kết quả điều tra xác định, việc CNS bị mất quyền được nhận cổ tức (năm 2015) tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đã bán là hơn 1,3 tỷ đồng, gây thất thoát lãng phí. Ngoài các sai phạm kể trên, bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm còn bị cáo buộc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ khen thưởng của CNS để phục vụ các công tác đối ngoại, tri ân, cảm ơn trong dịp lễ, Tết hoặc đột xuất, gây thất thoát số tiền hơn 17,3 tỷ đồng (từ ngày 27/4/2016 đến 28/6/2018).
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 29 đến 31/5.