Từ trước đến nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường chủ lực trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cá tra vào 2 thị trường này đạt tới 1 tỷ USD. Đối với thị trường Hoa Kỳ, không chỉ tăng về lượng mà giá xuất khẩu cá tra cũng đạt mức cao.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, ở thị trường Hoa Kỳ cá tra xuất khẩu luôn gặp trắc trở trước những quy định khắt khe về chất lượng, rồi tình trạng áp thuế cao gây khó khăn cho gia tăng xuất khẩu.
Với thị trường Trung Quốc, các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đánh giá cao vì lượng người tiêu dùng khá lớn. Thực tế cho thấy, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Song nghịch lý ở chỗ, thị trường này luôn tiềm ẩn rủi ro bởi chính sách mua - bán thay đổi thường xuyên, chưa kể tình trạng giá cả trồi lên, sụt xuống nhanh chóng mặt.
Sau một thời gian dài “chịu trận” ở các thị trường xuất khẩu truyền thống, mới đây cá tra Việt Nam chính thức “công phá” Nhật Bản và các nước khác. Kết quả, sau nhiều năm trầy trật thâm nhập thị trường Nhật Bản đến nay xuất khẩu cá tra đã có nhiều khởi sắc. 3 tháng đầu năm cá tra sang Nhật đạt 8,85 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, cách đây 8 năm giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật Bản chỉ đạt 2,56 triệu USD, chiếm 0,14% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Với thị trường EU, gần đây xuất khẩu cá tra đã tăng trở lại sau thời gian dài sụt giảm. Vấn đề đặt ra hiện nay, cần tăng cường khôi phục thị trường này nhằm tận dụng cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực.
Bên cạnh đó, còn có một lý do nữa để phát triển thị trường EU. EU là thị trường tiềm năng hơn với quy mô khoảng 508 triệu người tiêu dùng, GDP đạt mức 18.510 tỷ USD.
Ngoài 4 thị trường lớn giúp tăng trưởng xuất khẩu cá tra, doanh nghiệp nên tìm kiếm thêm những thị trường khác. Đồng thời, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Về chất lượng, đảm bảo đạt chuẩn VietGaP, GlobalGAP, ASC,…
Đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe của thị trường khó tính, đảm bảo quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Giới chuyên gia khẳng định, thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản luôn là những người giàu khó tính, họ sẽ kiểm tra mọi lúc mọi nơi. Đơn cử, EU kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu ngay khi hàng vào cảng. Thậm chí, khi lên quầy kệ trong hệ thống siêu thị cơ quan chức năng của họ tiếp tục kiểm tra về bao bì và xuất xứ nguồn gốc.