Năm 2023, các trường đại học (ĐH) thông báo dự kiến mở thêm các ngành học mới nhằm thu hút thí sinh đồng thời cân nhắc với những ngành khó tuyển.
Thêm nhiều ngành học
TS Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết năm 2023 trường mở thêm hai ngành Ngôn ngữ Hàn, Trung dự kiến đào tạo từ năm 2023, chỉ tiêu mỗi ngành là 50.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM vừa thông báo dự kiến mở năm ngành đào tạo bậc ĐH để kịp tuyển sinh cho năm 2023, gồm khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính, luật, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) vừa công bố quyết định thành lập khoa Y dược cổ truyền, nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa. Theo trường, khoa này sẽ đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH, các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành. Khoa dự kiến tuyển sinh từ năm học 2023-2024, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền.
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đang làm hồ sơ để mở 2 ngành học mới gồm truyền thông đa phương tiện và kinh doanh quốc tế, mỗi ngành trường dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu…
Cân nhắc cơ hội việc làm
Việc các trường mở thêm ngành học mới nhằm thu hút thêm thí sinh, mở rộng quy mô đào tạo là xu hướng chung của trường ĐH hiện nay. Dẫu vậy, nhìn vào bức tranh tuyển sinh ĐH những năm qua cho thấy, bên cạnh các cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu vẫn có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Năm 2022 có 52 cơ sở đào tạo tuyển sinh kém. 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất, từ 42 tới hơn 58% năm 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới việc một số cơ sở đào tạo tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, trong đó có lý do một số trường không nhận biết kịp xu hướng thay đổi của thị trường lao động để có điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh, dẫn đến không thu hút được thí sinh vào trường. Một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.
Như Trường ĐH An Giang quyết định mở ngành Thú y mới trong năm nay, nhằm đào tạo bác sĩ Thú y cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Đây là ngành hot trong khối nông lâm nghiệp - lĩnh vực nhiều năm liên tiếp tuyển sinh kém. Hay việc trường khối kỹ thuật, như Trường ĐH Thủy lợi mở thêm 2 ngành ngôn ngữ được nhà trường giải thích là đã có nghiên cứu và thấy trong 5-20 năm tới, nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác ngày càng cao.
Việc mở ngành nhằm trang bị cho sinh viên thêm kỹ năng hữu ích để hội nhập là phù hợp. Song theo đánh giá của các chuyên gia, các trường cần chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như chương trình đào tạo để có sự khác biệt với các trường đang đào tạo chuyên ngành tương tự nhằm giúp sinh viên tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường mở ngành mới, dừng tuyển sinh các ngành khó tuyển là bình thường. Tuy nhiên, cần tính đến đầu ra của sinh viên, tức là phải có nghiên cứu về cơ hội việc làm sau 4-5 năm nữa căn cứ vào dự báo nguồn nhân lực quốc gia, nhu cầu của doanh nghiệp… Không thể đào tạo tràn lan, không tính đến đầu ra sau này hoặc sinh viên phải làm trái ngành, trái nghề, lãng phí nguồn lực đào tạo.
“Khi thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh như hiện nay, ứng viên không chỉ cần kỹ năng mà còn cần phải có chuyên môn, năng lực thực sự thì với việc lựa chọn làm trái ngành, người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn” - PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh và cho rằng, về phía người học cần có những cân nhắc kỹ càng, không nên chọn ngành theo xu hướng mà cần dựa trên các yếu tố năng lực, sở thích, cơ hội việc làm.