Đã đến lúc bỏ khẩu trang?

Hoàng Chiến 14/06/2022 07:57

Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Bộ Y tế mới đây cũng đã đề xuất chuyển từ nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch thành V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn). Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn và tranh cãi về việc đã đến lúc bỏ đeo khẩu trang hay chưa?

Nhiều người vô tư bỏ khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: Hoàng Chiến

Vô tư bỏ khẩu trang

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã cơ bản được kiểm soát. Số ca mắc Covid-19 theo số liệu thống kê của Bộ Y tế liên tục giảm sâu, trung bình dưới 1.000 ca/ngày trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Số ca mắc được ghi nhận thấp nhất trong gần 12 tháng qua. Bên cạnh đó, số ca tử vong và chuyển nặng cũng giảm mạnh.

Các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục và tiếp tục trạng thái bình thường mới. Theo đó, kinh doanh dịch vụ và hoạt động vui chơi giải trí, du lịch cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề xuất chuyển từ nguyên tắc chống dịch 5K thành V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn). Tuy nhiên, trong khi nhiều băn khoăn và ý kiến trái chiều về việc có nên tiếp tục duy trì nguyên tắc khẩu trang hay không thì một bộ phận không nhỏ người dân đã “quên” mất việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tại nhiều khu vực du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Hồ Gươm, phố cổ, Hồ Tây,… người dân và khách du lịch thản nhiên tản bộ theo từng nhóm mà không mang khẩu trang. Bên cạnh đó, tại các công viên lớn, người tập thể dục cũng thoải mái bỏ khẩu trang dù tại đây tập trung rất đông người vào sáng sớm và chiều tối. Nhan nhản trên các con đường của Hà Nội, PV cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều người tham gia giao thông mà không có khẩu trang che chắn, bảo vệ. Cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược với trước đây, khi mà người dân chỉ cần lơ là trong việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có thể bị xử lý và nộp phạt bất cứ lúc nào.

Lấy lý do trời nắng nóng và khó thở để tháo khẩu trang khi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm, chị N.T.T. (25 tuổi, phường Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Bây giờ trời nắng nóng và oi bức nên những người tập thể dục và đi dạo quanh hồ như chúng tôi bỏ khẩu trang cũng là chuyện bình thường. Cũng không còn ai xử phạt nữa khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát”.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Xuân (58 tuổi, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Bây giờ ai cũng được tiêm vaccine rồi nên người ta chủ quan trong việc đeo khẩu trang ra đường, kể cả các điểm du lịch như Hồ Gươm này. Những ngày cuối tuần, người ra đường đông nhưng mọi người vẫn thoải mái hát hò, tập trung đông người mà không có khẩu trang”.

Bà Xuân cũng bày tỏ lo ngại khi tình hình dịch bệnh mới lắng xuống nhưng nguy cơ lây lan thì vẫn còn, nhất là sự có mặt của những biến chủng mới. Bộ Y tế cũng vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ bỏ đeo khẩu trang trong chống dịch.

“Nhiều người còn chưa tiêm đủ vaccine, cũng không thể ngoại trừ trường hợp có sự xuất hiện của những biến chủng mới, nguy hiểm và lây lan nhanh hơn mà khẩu trang thì là biện pháp cần thiết nhất. Do vậy nên vẫn cần tuyên truyền cho người dân có ý thức trong việc chấp hành nguyên tắc này để bảo vệ thành quả chống dịch” - bà Xuân nói.

Tham gia giao thông nhưng “quên” khẩu trang.

Đã đến lúc bỏ khẩu trang?

Trái ngược với quan điểm này, ông Trần Xuân Nhạ (quận Ba Đình) chia sẻ: “Việc phủ vaccine với tỷ lệ cao như hiện nay đã hạn chế rất nhiều việc lây lan dịch Covid-19. Chưa kể nếu có bị thì cũng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo tôi, Bộ Y tế cũng có thể nghiên cứu công bố lại cấp độ dịch và tiến tới không bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang”.

Hiện tại, tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới, mọi hoạt động kinh tế - xã hội cũng đã trở lại nhộn nhịp từ vài tháng nay. Việt Nam cũng đã trải qua vài kì nghỉ lễ lớn, tập trung đông người nhưng số ca nhiễm vẫn liên tục giảm mạnh. Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chúng ta đã đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên mạnh dạn loại bỏ những quy tắc cũ, trong đó có cả việc bỏ đeo khẩu trang để quay về trạng thái bình thường cũ. Một số ý kiến cũng đề xuất việc đeo khẩu trang chỉ nên là khuyến cáo, không bắt buộc ở những nơi công cộng.

Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, việc đeo khẩu trang vẫn rất cần thiết ở thời điểm hiện tại, nhất là tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, phòng khám, khu vui chơi công cộng, phòng kín có tập trung đông người…

“Theo Quyết định 447 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19, hiện tại đây vẫn là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Khi nào Bộ Y tế vẫn chưa hạ cấp độ dịch thì khi đó vẫn cần thiết phải duy trì các nguyên tắc được đề ra, đặc biệt là việc đeo khẩu trang” - ông Nga nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng không có nghĩa chúng ta đã khống chế được hoàn toàn dịch bệnh. Trong thời gian sắp tới vẫn còn rất nhiều nguy cơ lây lan cũng như sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm mới.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc đeo khẩu trang cũng cần được thực hiện linh hoạt, không quá cứng nhắc, như tại những nơi có ít người, đi một mình, khi đã giữ khoảng cách tối thiểu 2m, tập thể dục, đi bộ… người dân cũng có thể tháo khẩu trang. Dù vậy, ý thức vẫn là trên hết, người dân phải tự nhận thức được nguy cơ dịch bệnh và tuân thủ đúng theo những nguyên tắc chống dịch mà Bộ Y tế đã đề ra. Có như vậy mới mong bảo vệ chính mình và bảo vệ thành quả chống dịch chung của cả nước.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam:

Đeo khẩu trang chỉ nên dừng ở khuyến cáo

Hiện tại không nhất thiết bắt buộc mọi người, mọi lúc, mọi nơi phải đeo khẩu trang giống như giai đoạn trước. Thay vào đó, chỉ nên dừng lại ở việc khuyến cáo sử dụng khẩu trang trong một số trường hợp nhất định. Dù khẩu trang có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm lây nhiễm qua đường hô hấp, tuy nhiên chỉ trong các trường hợp những người có triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, những người nguy cơ cao, bệnh nhân trở nặng, nhân viên y tế hay những người trực tiếp chăm sóc người bệnh,… mới thực sự cần thiết.

Thời điểm hiện tại, người dân khi hoạt động tại các không gian mở, tham gia giao thông hay trong các hàng quán, tập thể dục thể thao… cũng không cần thiết phải đeo khẩu trang. Về cơ bản, việc mang khẩu trang có tác dụng rất tốt trong phòng ngừa bệnh, tuy nhiên việc sử dụng thời gian dài, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay cũng tồn tại nhiều bất tiện như khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc của một số đối tượng. Không những vậy còn gây lãng phí, tốn kém không cần thiết khi liên tục phải sử dụng khẩu trang thời gian dài. Do vậy, việc đeo khẩu trang phải đúng cách và chỉ cần trong một số trường hợp nhất định.

Chuyên gia cũng đánh giá, với chủng Omicron, người bệnh đến 80-90% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Chúng ta cũng không hạn chế người dân đi lại hay phải tăng cường các xét nghiệm liên quan, do đó người nhiễm thực tế có thể đã cao hơn rất nhiều so với công bố. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn có thể tăng thêm miễn dịch cơ thể và miễn dịch cộng đồng. Bởi vậy, trong thời gian sắp tới dịch bệnh khó có thể bùng phát mạnh như thời điểm trước đó.

Hoàng Chiến(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã đến lúc bỏ khẩu trang?