Nhiều tháng gần đây, Covid-19 đã và đang được kiểm soát ổn định tại nước ta, số ca mắc mới, số ca bệnh nặng và số ca tử vong đều ở mức rất thấp. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh lưu hành.
Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta trong tuần qua là 83 ca, trung bình gần 12 ca/ngày; trong đó ngày có số ca mắc cao nhất là 25 ca và ngày có số mắc thấp nhất là 4 ca. Cũng trong nhiều tháng qua nước ta không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.116 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc /1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.490 ca mắc).
Thực tế, thời gian qua, với sự kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn trở lại, sinh hoạt của người dân đã bước vào giai đoạn bình thường mới, mọi hoạt động sản xuất, đi lại, giao lưu đều diễn ra bình thường. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn…gần như chỉ còn mang tính hình thức, hoặc ý thức cá nhân. Số ca mắc Covid-19 nằm ở mức rất thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc công bố hết dịch Covid-19.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến: “Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19. Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 hay các đơn vị điều trị Covid-19 hiện nay ngày càng giảm xuống”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 với biểu hiện rõ ràng nhất là trong nhiều tháng trở lại đây, số ca mắc không tăng cao, số ca bệnh nặng và số ca tử vong gần như không có, hoặc ở mức rất thấp. Có thể nói, nước ta đang ở giai đoạn làm sao kiểm soát tốt tình hình và tiến tới kiểm soát Covid-19 ổn định. Hay nói cách khác, chúng ta đang thực hiện các biện pháp để không bị bất ngờ khi có những biến chuyển mới của SARS-CoV-2. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá kỹ, bao quát về tình hình dịch Covid-19 và đưa ra kết luận có nên đưa Covid-19 thành bệnh lưu hành hay không”- ông Phu nói.
Cũng theo ông Phu, trong trường hợp công bố hết dịch Covid-19 và chuyển nó sang bệnh nhóm B thì các biện pháp phòng, chống dịch vẫn là cần thiết: Việc chuyển Covid-19 thành bệnh lưu hành không đồng nghĩa với việc dịch bệnh nguy hiểm này sẽ không có tác động tới sức khỏe của người dân.
Một ví dụ đơn giản, chúng ta đều biết cúm là một loại bệnh lưu hành, thế nhưng mỗi năm, vẫn có đến hàng trăm triệu ca mắc và hàng nghìn ca tử vong do cúm. Đối với Covid-19, ngay cả khi đưa thành bệnh lưu hành thì người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine, người bị suy giảm miễn dịch thì việc phòng bệnh vẫn là cần thiết. Tất nhiên, chúng ta dần chuyển việc bắt buộc người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sang khuyến cáo người dân sử dụng những biện pháp phòng bệnh, vẫn đeo khẩu trang ở những môi trường có nguy cơ cao.
Ngoài ra, việc thực hiện sát khuẩn, rửa tay vẫn luôn tốt cho sức khỏe, không chỉ giúp phòng, chống Covid-19 mà còn giúp tránh được rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác về đường tiêu hóa, hô hấp khác. Một vấn đề khác là tiêm vaccine phòng Covid-19, đây vẫn là giải pháp hiệu quả trong giảm số ca chuyển nặng và số ca tử vong. Chúng ta đều biết, nhờ có chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 hiệu quả, Việt Nam đã thành công kiểm soát được đại dịch.
“Covid-19 là đại dịch mang tính toàn cầu. Dù Việt Nam đang kiểm soát tốt nhưng trên thế giới, dịch bệnh này vẫn đang là vấn đề lớn đối với các nước khác. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia vẫn đang thận trọng với Covid-19, và chúng ta vẫn cần tham khảo những ý kiến của WHO. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện nay WHO cũng đang nghiên cứu về đề xuất đưa Covid-19 thành bệnh lưu hành. Tôi tin rằng Bộ Y tế sẽ có những biện pháp hợp lý, kịp thời sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.