Ngày 3/5, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng – ông Võ Tấn Hà đã ký công văn gửi Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đề nghị chủ động ứng phó đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho thành phố trước tình trạng nước sông Cẩm Lệ liên tục xảy ra xâm nhập mặn, dẫn đến độ mặn tại cửa thu nước sinh hoạt Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao từ cuối tháng 4 đến nay.
Cùng ngày, thông tin từ Dawaco cũng cho biết, doanh nghiệp này đã chuẩn bị kịch bản vận hành cung cấp nước căn cứ các cấp độ xâm nhập mặn ở từng thời điểm. Cụ thể khi độ mặn nước sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ (dưới chân Cầu Đỏ) thấp hơn 200mg/l, sẽ lấy nước trực tiếp từ sông Cẩm Lệ. Nếu sông Cẩm Lệ có độ mặn từ 200-1.000 mg/l, sẽ lấy nước sông Yên từ trạm bơm phòng mặn An Trạch. Trong trường hợp độ mặn lớn hơn1.000mg/l thì cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ ở sông Cẩm Lệ sẽ đóng và bơm nước sông Yên từ trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất tối đa. Kịch bản cũng nêu rõ, nếu liên tục 24 giờ, độ mặn nước sông Cẩm Lệ lớn hơn 1.000 mg/l nhưng nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch không đủ cung cấp, Dawaco sẽ báo cáo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia để giảm mặn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Được biết, xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ phổ biến từ cuối tháng 4 hàng năm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt của khoảng 2/3 dân số TP Đà Nẵng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài của TP Đà Nẵng còn có nguyên nhân khác là việc chậm đưa vào vận hành Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày/đêm, có tổng vốn đầu tư 1.170 tỷ đồng. Nhà máy nước Hòa Liên (trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khánh thành từ ngày 29/3 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động do không có đơn vị vận hành.