Từ đầu năm đến nay, nhiều lễ hội xuân diễn ra sôi nổi, vui tươi với những tín hiệu tích cực từ công tác tổ chức, quản lý đến ý thức, trách nhiệm người tham dự lễ hội, bảo đảm các nghi thức truyền thống, hướng tới giá trị gắn kết cộng đồng và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, qua đó góp phần duy trì, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mùa lễ hội xuân 2023 đã và đang diễn ra trên cả nước và còn kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Theo Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Phạm Lan Oanh, công tác tổ chức lễ hội chu đáo, bài bản, thể hiện quá trình chuẩn bị công phu, trách nhiệm, trong đó yếu tố quan trọng, góp phần mang lại kết quả tích cực chính là khâu tuyên truyền, quảng bá tạo sức hút cho lễ hội.
Diễn ra từ ngày 11 - 13 tháng 2 (âm lịch), Hội làng truyền thống của 2 xã Thượng Lâm và Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) năm nay thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham dự. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương, con cháu đi làm ăn xa từ Nam tới Bắc đều thu xếp về quê tham dự lễ hội.
Nhiều người cho biết, gần đến ngày diễn ra lễ hội là trong lòng bồi hồi, chỉ muốn được về làng, hòa cùng không khí lễ hội, hòa trong tình làng nghĩa xóm vui tươi, đoàn kết.
Xã Đồng Tâm được thành lập năm 1953 từ việc tách thôn Hoành của xã Thượng Lâm nhập với thôn Đồng Mít của xã Phú Lâm. Hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm, tiếp nối truyền thống từ xa xưa lễ hội làng xưa từ đó luân phiên 2 xã đăng cai tổ chức 3 năm một lần. Năm nay, xã Thượng Lâm đăng cai tổ chức lễ hội.
Đình làng của 2 xã Thượng Lâm và Đồng Tâm cùng thờ nhị vị Thánh Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Độc đáo nhất ở hội làng Thượng Lâm là phần rước kiệu, cả 2 xã có 13 kiệu trong đó có 8 kiệu có tượng. Người tham gia rước kiệu là những trai tráng khỏe mạnh được lựa chọn ở các thôn trong xã.
Theo lịch của lễ hội, ngày 11 (âm lịch) nhân dân 2 xã rước các vị thần được thờ ở đình làng trên địa bàn của xã mình. Sang ngày 12 (âm lịch), toàn bộ kiệu của xã Thượng Lâm sẽ sang đón các vị thần xã Đồng Tâm sau đó quay về sân vận động xã Thượng Lâm ngự một đêm. Ngày 13 (âm lịch), Ban tổ chức lễ hội làm lễ bế mạc, màn rước kiệu trong ngày cuối cùng luôn mang lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng người dân địa phương và khách thập phương.
Cụ Trần Chí Lễ - người dân ở xã Đồng Tâm chia sẻ: “Lễ hội thể hiện lòng tự hào và biết ơn sâu sắc đối với các vị anh hùng dân tộc. Trong dịp lễ hội các con tôi dù ai có đi đâu làm gì về đến làng xã thì phát tâm công đức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, về đến gia đình thì ngồi bên nhau ăn bữa cơm sum họp đoàn viên. Việc tâm linh của quê hương là việc chung”.
Ông Nguyễn Văn Tới - thành viên ban tổ chức lễ hội cho biết, những thành công là lượng người tham dự lễ hội ngày càng đông. Các ban phục vụ lễ hội làm việc nghiêm túc, minh bạch, giàu kinh nghiệm giúp công việc từ chuẩn bị đến tiến hành đều thuận lợi. Thực hành các nghi lễ truyền thống trang trọng giữ gìn được bản sắc văn hóa.
Với các trò chơi dân gian lành mạnh và các buổi giao lưu văn nghệ thì hầu hết được các đơn vị cơ sở và bà con nhân dân tự biên tự diễn. Với sự chuẩn bị chu đáo, lễ hội truyền thống năm 2023 của 2 xã Thượng Lâm, Đồng Tâm đã diễn ra trang trọng, ý nghĩa, thể hiện những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cội nguồn dân tộc, gắn chặt tình đoàn kết.
Anh Trần Văn Dung - thành viên trong đội múa rồng của thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm tự hào chia sẻ: Tôi đã phục vụ lễ hội từ năm 18 tuổi, dù có lúc anh em làm việc ở gần khi lại đi làm xa nhưng đến mùa lễ hội đều về tụ họp lại để tập dượt chuẩn bị cho lễ hội. Về truyền thống lễ hội, anh Dung cho biết, trong gia đình cứ ông kể cho bố, bố kể cho con nối tiếp nhau để hiểu và sẵn sàng tham gia bất kỳ công việc nào có thể để phục vụ lễ hội.
Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Lễ hội truyền thống xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) được tổ chức trở lại. Hội làng truyền thống xã Thượng Lâm được tổ chức trong 3 ngày từ (11 đến 13/2 âm lịch), theo thông lệ, xã nào mở hội sẽ mời xã kia cùng tham dự. Độc đáo nhất ở Hội làng Thượng Lâm là phần rước kiệu, cả hai xã có 13 kiệu trong đó có 8 kiệu có tượng. Người tham gia rước kiệu là nhũng trai tráng khoẻ mạnh được lựa chọn rất kỹ ở các thôn trong xã.