Đại học khó tự chủ khi quá lệ thuộc học phí

Dung Hòa 07/11/2023 06:57

Nguồn thu của các trường công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục đại học (ĐH) thấp.

FPT- một trong 5 trường đại học có doanh thu hơn nghìn tỷ đồng năm 2022. Ảnh minh họa.

Tại hội thảo “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, GS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tự chủ ĐH thời gian qua là một bước chuyển biến cực kỳ mạnh mẽ so với 10 năm trước. Tuy nhiên, quá trình tự chủ có rất nhiều vấn đề.

Theo ông Quân, dù ĐH Quốc gia luôn được coi là ưu tiên, trọng điểm, nhưng để việc đầu tư thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ rất khó khăn. Lương cơ sở tăng, ngân sách có xu hướng giảm, thu học phí cũng chỉ có giới hạn. ĐH muốn tự chủ mà trông chờ vào học phí là rất khó khăn.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM phân tích, hiện nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu đến từ học phí. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ phụ thuộc vào học phí ngày càng cao, đến hơn 70%. Một trường không thể trở thành ĐH đẳng cấp thế giới hoặc được xếp hạng thế giới nếu chỉ dựa vào học phí.

Trước thềm năm học 2023- 2024, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, Việt Nam có 5 trường ĐH có doanh thu hơn nghìn tỷ đồng. Trong đó, 2 trường công lập gồm ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế TPHCM. 3 trường còn lại thuộc khối tư thục là ĐH FPT, ĐH Văn Lang và ĐH Công nghệ TPHCM. Con số này được đưa ra năm 2022, dựa trên doanh thu các trường một năm trước đó.

Tại hội nghị về tự chủ ĐH tháng 4/2023, nhóm chuyên gia của WB đưa ra số liệu về đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục ĐH sau khi khảo sát một số trường. Kết quả cho thấy năm 2017, ngân sách nhà nước chiếm 24% tổng nguồn thu các trường công lập được khảo sát; đóng góp của người học (học phí) là 57%. Nhưng đến năm 2021, học phí chiếm 77%, nguồn ngân sách chỉ còn 9%. Có thể thấy, nguồn thu của các trường công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục ĐH thấp. Thực tế này trái ngược với các nước có giáo dục ĐH phát triển.

Cần đột phá về cơ chế

GS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH quá ít. Vì thế, các trường muốn tồn tại phải tăng học phí, dù việc này mâu thuẫn với mức sống của người dân.

Trước ý kiến tự chủ ĐH cần đa dạng nguồn thu, ông Nhĩ cho rằng, rất khó. Theo ông, hai hoạt động chính của trường ĐH là đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học khó được đẩy mạnh khi không có tiền đầu tư và từ nghiên cứu đến ứng dụng trong sản xuất tạo ra lợi nhuận cần thời gian. Nếu tự chủ ĐH vẫn bị đánh đồng là phải tự chủ hoàn toàn về tài chính thì các trường vẫn phải phụ thuộc nhiều vào học phí.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, giáo dục ĐH Việt Nam đang trong trạng thái phát triển, tuy nhiên tốc độ phát triển chậm, không có bứt phá. Hệ thống các trường ĐH công muốn cải thiện cần vừa phải huy động nguồn lực xã hội mạnh mẽ, vừa phải có đầu tư mang tính bứt phá, đột biến.

Ông Sơn cho rằng có nhiều “cái vướng” với mô hình tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ của giáo dục ĐH chưa có sự đồng bộ, chia sẻ của các hệ thống pháp luật. Áp dụng các quy định đối với một cơ sở giáo dục ĐH như các đơn vị sự nghiệp công lập thì rất khó để đơn vị đặc biệt này tự chủ.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, cần rà soát những điểm nghẽn, chồng chéo để tháo gỡ, tạo đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ ĐH.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2022, cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn đầu tư từ ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng nguồn thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại học khó tự chủ khi quá lệ thuộc học phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO