Cho đến lúc này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa thể ấn định thời gian tổ chức Đại hội khóa VIII do những lùm xùm tranh cãi giữa bầu Đức với bầu Tú và nhất là những khúc mắc xung quanh ông Trần Quốc Tuấn. Những khúc mắc khó giải đang khiến cho Đại hội VFF khóa VIII phải dời ngày lâu hơn nữa và thậm chí chưa biết đến lúc nào có thể tiến hành.
Bầu Đức quyết không tranh cử
Ban đầu, VFF dự định tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII vào tháng 4. Nhưng do công tác chuẩn bị Đại hội đặc biệt là công tác nhân sự tiến hành quá chậm và vướng nhiều sai sót khiến VFF đã nhiều lần phải lùi thời gian tổ chức Đại hội. Mâu thuẫn phát sinh khi một số đơn vị lên tiếng khẳng định họ có đề cử nhưng không thấy tên ứng viên xuất hiện trong danh sách của VFF. Danh sách những người không xuất hiện có cả tên bầu Đức. Đáp lại, Tiểu ban nhân sự thông báo kéo dài thời gian đề cử tới ngày 31-3 để các đơn vị, tổ chức thành viên tiếp tục đề cử. Sau quyết định của Tiểu ban nhân sự, nhiều cái tên mới đã xuất hiện trong cuộc đua vào khóa VIII như doanh nhân Trần Văn Liêng, Lê Văn Thành cho ghế Phó Chủ tịch tài chính, ông Phạm Văn Tuấn cho ghế Phó Chủ tịch chuyên môn... Bầu Đức cũng được đề cử cho ghế Chủ tịch VFF.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là chính khâu nhân sự cho BCH VFF khoá 8. Theo đề án do VFF đưa ra, chức danh chủ tịch VFF, phó chủ tịch chuyên môn và phó chủ tịch tài trợ đều phải có bằng tốt nghiệp đại học tối thiểu. Ràng buộc này “vô tình” khiến những ứng viên tâm huyết, có nhiều đóng góp cho nền bóng đá trong nước như bầu Đức bị gạt sang một bên. Đồng thời, nó cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan của tổ chức lãnh đạo VFF. Và nghi ngờ đây là một âm mưu để loại bỏ ông bầu “mạnh miệng” của HAGL ra khỏi cuộc chơi đã được đặt ra.
Đã rất nhiều lần, trả lời báo chí trong thời gian ngắn vừa qua, bầu Đức bày tỏ sự bức xúc của mình, không chỉ vì tiêu chí phải có bằng Đại học mà còn có những phản ứng tiêu cực với một vài cá nhân ở VFF nhất là bầu Tú và khẳng định sẽ không tham gia ứng cử VFF khóa VIII.
Những nút thắt mâu thuẫn giữa bầu Đức với bầu Tú tưởng chừng có lối thoát khi bầu Thắng đứng ra tổ chức bữa cơm thân mật giữa 3 người. Thế nhưng, điều đó đã không trở thành hiện thực sau việc bầu Tú vẫn giữ ghế chủ tịch VPF. Dù khẳng định sẽ rời ghế Tổng giám đốc VPF trong tháng 4 này nhưng cuối cùng bầu Tú vẫn ở lại, sau khi có sự tín nhiệm cao của các thành viên HĐQT công ty VPF. Việc bầu Tú tiếp tục ngồi ghế VPF, và sắp tới ứng cử ghế Phó Chủ tịch VFF, đã lại khiến bầu Đức “nóng mặt”.
Mọi tranh cãi tưởng chừng sẽ có hướng giải quyết sau buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với đại diện Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam hôm 18-4 nhưng nó lại càng khiến mọi thứ trở nên ầm ĩ bởi bầu Đức đã từ chối tham gia cuộc họp này khi cho rằng mình không có bằng Đại học nên cảm thấy xấu hổ và không tham gia. Trong buổi họp này, quan điểm của Bộ VH-TT&DL được Thứ trưởng Lê Khánh Hải trao đổi với lãnh đạo Tổng cục TDTT và VFF là rà soát lại công tác chuẩn bị, xem xét lại các tiêu chí chọn lựa các chức danh chủ chốt, cụ thể là vị trí Chủ tịch VFF. Được biết, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến về tiêu chí ứng viên các chức danh chủ chốt VFF khóa VIII phải tốt nghiệp đại học trở lên là chưa phù hợp và đề nghị loại bỏ tiêu chí này. VFF cho biết sẽ sớm triệu tập cuộc họp ban chấp hành để lấy ý kiến cuối cùng. Sau cuộc họp, VFF và Tổng cục TDTT muốn hạ hoả mối quan hệ với bầu Đức. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định tổ chức này luôn chờ đợi bầu Đức trở lại. Nhưng sau những phát biểu rất “ngọt ngào” trên, ông bầu phố Núi vẫn dửng dưng và tuyên bố “Tôi chắc chắn họ không thành tâm đâu. Họ đâu có muốn tôi vào. Họ gạt tôi ra từ đầu cơ mà. Họ đưa tiêu chí đó (ứng viên phải có bằng Đại học) vào việc bầu chọn là đã muốn gạt tôi từ đầu rồi. Tiêu chí ấy đưa ra là vì họ rất sợ tôi vào Liên đoàn cản trở việc của họ. Như thế thì làm sao mà thành tâm được?”.
Chia sẻ với báo chí sau khi cuộc họp diễn ra, ông khẳng định mình sẽ không quay lại tổ chức quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh không thể ngồi “chung mâm” với bầu Tú khi tuyên bố “Tôi không đấu tranh để vào lại VFF đâu. Hãy nghĩ đơn giản thế này, tôi không thể ngồi chung với ông Tú. Tôi là người không lợi dụng, không tham vọng. Bóng đá là phải vô tư chứ. Tham vọng và lợi dụng là không thể chơi được. Làm sao có chuyện tôi đã tuyên bố rút rồi lại xin vào được?”. Theo bầu Đức, đã là người lớn, nói là làm, không có chuyện rút lui rồi lại thay đổi quyết định.
Không chỉ từ chối tranh cử Chủ tịch VFF, bầu Đức còn tái khẳng định tuyên bố rút HAGL khỏi các giải chuyên nghiệp quốc gia do Công ty VPF tổ chức: "Nếu ông Tú (Chủ tịch VPF Trần Anh Tú) trúng cử Phó Chủ tịch VFF và vẫn làm VPF, trúng cử ngày trước, ngày sau tôi bỏ giải ngay".
Công bằng mà nói, dù dư luật rất ủng hộ những phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn của bầu Đức vì bóng đá Việt Nam nhưng không phải phát ngôn nào của ông cũng nhận được sự đồng tình của dư luận. Đặc biệt là tuyên bố bỏ bóng đá và lệnh cho HAGL nghỉ chơi V-League để phản đối lại chuyện bầu Tú ôm nhiều ghế.
Ông Tuấn “tổng” gặp khó
Ngay sau cuộc họp với lãnh đạo bộ VH TT&DL, đêm 18-4, VFF đã công khai danh sách các ứng viên được đề cử và đồng ý tham gia ứng cử ban chấp hành (BCH) VFF khóa 8 nhiệm kỳ 2018- 2022, trong đó không có tên bầu Đức. Theo VFF, tiểu ban nhân sự Đại hội đã tổng hợp được tổng cộng 64 ứng cử viên được đề cử, trong đó có 46 ứng cử viên được đề cử đã nộp hồ sơ ứng cử và nhận lời tham gia tranh cử. PCT VFF hiện tại Trần Quốc Tuấn được đề cử ở hai chức vụ là Chủ tịch VFF và phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn khóa VIII. Ông Tuấn đang là ứng viên sáng giá cho chức Chủ tịch VFF trong danh sách 4 ứng viên, với 3 người còn lại là ông Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia), ông Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2,TP.HCM), ông Nguyễn Công Khế (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên).
Trong số bốn người kể trên, ông Trần Quốc Tuấn đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các CLB, bởi ông Tuấn giỏi chuyên môn và đối ngoại. Tuy nhiên, bầu Đức nhiều lần cho rằng ông Tuấn chỉ nên giữ chức phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, còn Chủ tịch VFF cần một người khác làm.
Khả năng chiến thắng của ông Tuấn “tổng” được đánh giá là rất cao thế nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy ông đang gặp khó khi bị đặt câu hỏi có đủ điều kiện ứng cử chức chủ tịch VFF? Theo đó, tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối cơ quan Trung ương cùng Đảng ủy Tổng cục TDTT đã xuống làm việc với Chi ủy Chi bộ VFF để kiểm tra và làm rõ việc ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF giai đoạn 2013-2014, bị ông Trần Quốc Tuấn không cho ông sinh hoạt Đảng trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền đang xem xét, chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Ông Tuấn “tổng” bị tố đúng thời điểm này đã đặt ra vấn đề ông có đủ điều kiện để ứng cử vào Ban Chấp hành VFF khóa VIII sắp tới. Cùng với đó, việc ông Trần Quốc Tuấn biệt phái từ TC TDTT sang ngồi ở VFF hơn 10 năm trong khi Luật cán bộ - công chức quy định cán bộ Nhà nước sang tổ chức xã hội nghề nghiệp không quá 3 năm cũng là vấn đề lớn của ông. Bởi vậy, động tác của VFF hoàn chỉnh hồ sơ đề cử gửi lên cấp trên, trong đó ghi rõ ông Tuấn ứng cử hai ghế Chủ tịch và Phó chủ tịch được đánh giá chỉ là hình thức.
Trong khi đó, một ứng viên ghế chủ tịch VFF khác là ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cũng đang dính vào lùm xùm khi bị Bộ VH-TT&DL yêu cầu thu hồi đất trong quy hoạch dành cho thể thao để cho các đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau, từ quán bia, cà phê cho tới cả massage nên việc này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới hình ảnh của ông khi tranh cử.
Những biến động của các ứng viên chủ chốt đang khiến bản danh sách nhân sự VFF khóa VIII chưa thể chính thức chốt lại bởi còn chờ ý kiến của Bộ Nội Vụ. Trong cuộc họp giao ban báo chí hôm 24-4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã cho biết “sau cuộc họp với lãnh đạo Bộ VHTTDL, VFF đã tiến hành rà soát lại các tiêu chí liên quan đến lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8. Trong thời gian sắp tới đây sẽ báo cáo Ban chấp hành. Do vậy việc chốt lại danh sách chủ chốt lãnh đạo Liên Đoàn bóng đá Việt Nam khóa 8 sẽ được lùi lại”. Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho biết Bộ Nội vụ sẽ là đơn vị quyết định về nhân sự tham gia ứng cử đại hội lần này. Thời gian tổ chức Đại hội VFF có thể tiếp tục phải lùi lại và thậm chí là lâu hơn nữa bởi không thể khi mọi ồn ào, tranh cãi và những vụ kiện cáo chưa giải quyết xong mà có thể diễn ra đại hội được.
Tôi không đấu tranh để vào lại VFF đâu. Hãy nghĩ đơn giản thế này, tôi không thể ngồi chung với ông Tú. Tôi là người không lợi dụng, không tham vọng. Bóng đá là phải vô tư chứ. Tham vọng và lợi dụng là không thể chơi được. Làm sao có chuyện tôi đã tuyên bố rút rồi lại xin vào được?”. Ông Đoàn Nguyên Đức |