Đại tá, nhà báo Đinh Khánh Vân: Nhiệt thành sống, nhiệt thành cầm bút

Hồng Sơn 05/02/2019 19:36

Lớp hậu sinh chúng tôi mãi mãi sẽ không còn được thấy một ông già tóc trắng xóa, mặt đỏ như Quan Công, chiếc mũ cối bộ đội cầm tay, từ quê nhà Tiền Hải, Thái Bình lên cười nói rổn rảng đi hết phòng này đến phòng khác của báo Quân đội nhân dân mà ông một thời gắn bó máu thịt. Tay rung liên hồi kỳ trận, ông đỡ chén nước của đồng nghiệp trao, rồi than phiền tuổi ngoài tám mươi bị bệnh Parkinson đành bất lực, trong khi xã hội nhiều cái để viết.

Đại tá, nhà báo Đinh Khánh Vân: Nhiệt thành sống, nhiệt thành cầm bút

Ông là Đại tá, nhà báo Đinh Khánh Vân.

Khi tôi về báo Quân đội nhân dân năm 1994 thì ông đã về hưu trước đó 4 năm. Nhưng duyên nghiệp làm báo khiến chúng tôi liên quan đến nhau. Số là năm đó, tờ Quân đội nhân dân thứ Bảy (nay là Cuối tuần) đăng bài của Khánh Vân phê phán việc làm sai của chính quyền xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, Nam Định về đền thờ Triệu Quang Phục. Thế là Ủy ban nhân dân xã này làm đơn kiện, cho rằng bài viết sai sự thật. Mới chân ướt chân ráo về tòa soạn, ông phụ trách phòng liền cử tôi về Nam Toàn để làm việc theo yêu cầu của bên đơn. Hôm đó, đối chất trong hội trường xã chật kín người, tôi ngồi chịu trận nghe các bà, các cụ trong các tổ chức của xã “đập” tơi bời, mà đối tượng bị mắng là nhà báo Khánh Vân. Sau này, đọc các bài của ông bảo vệ những người bị trù dập oan như Nguyễn Anh Thái ở Trường Đại học Pháp lý (nay là trường Đại học Luật Hà Nội), Nguyễn Thái Sen ở một đoàn an dưỡng Quân khu 3 tôi mới hiểu, mình bắt đầu bước chân vào cái nghề hết sức gian nan, phức tạp nhưng đam mê, mà nhà báo Khánh Vân lúc đó tuổi đã gần 70 vẫn nhiệt thành cầm bút.

Nhà báo Khánh Vân sinh năm 1927, nhập ngũ năm 1947 chiến đấu chống thực dân Pháp trong vùng địch hậu Liên khu 3, mãi đến năm 1964 mới được điều về báo Quân đội nhân dân. Đó là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bước sang giai đoạn mới, chiến sự lan rộng ra cả nước. Là người nhiệt thành, ông hăm hở đi và viết. Tòa soạn ở Hà Nội, nhưng không có năm nào Khánh Vân vắng mặt ở các chiến trường ác liệt nhất: Tuyến lửa Vĩnh Linh, Đường 9, Trường Sơn, Khu 5, Tây Ninh… Trong ý thức của ông là phải tìm cách đến những nơi mà các nhà báo khác chưa đến, để bài viết của mình không giống người khác. Suốt một mùa khô năm 1970, Khánh Vân đi một mạch từ Quảng Bình đến tận Binh trạm 44 ở Kon Tum là binh trạm cuối cùng của Bộ đội Trường Sơn. Khi trở ra, cứ trọng điểm nào ác liệt nhất là ông dừng lại. Có lần đến trọng điểm La Hạp ở Tây Trường Sơn. Đêm qua máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, đất đá vùi lên 2 nữ thanh niên xung phong mà không bới lên được, đành để vậy để đoàn xe đi qua. Người chiến sĩ lái xe vừa ôm vô lăng vừa khóc, còn ông vừa chảy nước mắt vừa viết ký “Theo những đoàn xe ra trận”. Năm 1973, Khánh Vân lại vào Trường Sơn rồi từ đó xuống huyện Hoài Nhơn của Bình Định. Vượt đường số 1 để về xã Hoài Thanh anh hùng, ông nấn ná trên đường để hỏi chuyện cô du kích, mặc cho trăng sáng và đồn địch ở gần để có thêm chi tiết sinh động viết bút ký nhiều kỳ “Bắc Bình Định 1973”.

Có người gọi ông là “Bạn của người anh hùng”, quả không sai. Ông viết về anh hùng Lê Mã Lương, về nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân: khi được giao viết bài về chị Đinh Thị Vân, người phụ trách bảo đi lấy tài liệu vài ngày thôi nhá. Ông nghĩ: Vài ngày sao được với cuộc đời một người anh hùng như thế! Sau đó, riêng hỏi chuyện với nữ anh hùng đã hơn một tháng, rồi đến cơ sở tình báo của chị Vân ở ngoài Bắc, ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng rồi về viết ký “Người đảng viên trên trận tuyến đặc biệt” đăng 42 kỳ năm 1977 trên báo Quân đội nhân dân gây tiếng vang lớn. Hoặc như viết về Lê Mã Lương cũng vậy. Năm 1971, một tổ phóng viên của báo Quân đội nhân dân do nhà báo Tạ Duy Đức phụ trách đến viết bài về Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 mới chiến đấu ở Đường 9- Nam Lào về. Phát hiện Chính trị viên phó đại đội Lê Mã Lương, thấy hay quá, Khánh Vân bám theo ngay. Ông theo đến nỗi Lê Mã Lương ốm, ông chạy theo bên cáng đến bệnh xá trung đoàn, cứ khi nào nhân vật tỉnh dậy là ông hỏi. Thấy thế, nhà báo Duy Đức phê bình: Đồng chí được phân công viết công tác chính trị mà cứ chạy như thế thì làm sao! Ông trả lời, báo cáo anh, tôi sẽ lấy đủ tài liệu công tác chính trị. Nói vậy nhưng trong bụng nghĩ thầm, đây cũng là công tác chính trị chứ còn gì nữa, viết về Lê Mã Lương mà không phải là công tác chính trị thì là cái gì? Hỏi chuyện khoảng độ một tuần, Khánh Vân còn về quê của Lê Mã Lương ở Thanh Hóa để tìm hiểu rồi viết “Lê Mã Lương vừa hồng vừa chuyên” đăng hai kỳ ở báo QĐND. Bài báo gây dư luận tốt trong toàn quân và nhân dân, nhất là lớp thanh niên với câu nói nổi tiếng của người anh hùng: “Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”.

Báo Quân đội nhân dân thời chống Mỹ là nơi tập trung rất nhiều cây bút tên tuổi của làng báo Việt Nam: Trần Công Mân, Phạm Phú Bằng, Khắc Tiếp, Phan Hiền, Lê Kim, Nghiêm Túc, Duy Đức, Nguyễn Đức Toại, Hồng Phương…Với sự nhanh nhạy trong xây dựng điển hình, trên mặt báo của tờ này xuất hiện nhiều câu nói nổi tiếng còn lại đến hôm nay. Nhà báo Khắc Tiếp theo chân Sư đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô may mắn được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng và ghi ngay câu nói bất hủ của Người căn dặn cán bộ chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhà báo Nguyễn Đức Toại ghi lại câu nói của Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, còn Khánh Vân là câu nói của Lê Mã Lương. Một hôm đến nhà ông ở phường Mai Dịch, Hà Nội (hồi ông chưa về quê), tôi hỏi: “Báo ta thời các bác rất giỏi xây dựng điển hình, nhưng nhiều câu nói của người anh hùng là do nhà báo “sáng tạo” ra?”. Ông cười, rồi nói rằng nhà báo Nguyễn Đức Toại có kể lại, anh hùng Nguyễn Viết Xuân khi chiến đấu động viên đồng đội: Tất cả nhìn thẳng vào quân thù, không sợ gì cả…và nhiều câu khác nữa. Anh Toại có khái quát lại cho gọn: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”, như vậy vẫn là tinh thần của Nguyễn Viết Xuân. Trường hợp Lê Mã Lương cũng vậy!

Rồi đột nhiên, ông đặt chén nước, vẻ mặt rất quan trọng:

- Nhưng mà có một lần, khổ quá mất thôi, Lê Mã Lương đã trả lời một phóng viên rằng câu nói nổi tiếng đó là do nhà báo nói. Thế có chết không chứ! Tôi gặp Lê Mã Lương và nói: Cậu buồn cười nhỉ, cậu kể chuyện với tôi, rằng ông huyện đội trưởng khuyên cậu đi học đại học cũng là xây dựng đất nước, cậu đã trả lời có đất nước mới xây dựng đất nước, nước mất thì lấy đâu xây dựng. Bây giờ Tổ quốc bị xâm lăng thì tuổi trẻ phải ra chiến trường, như thế là vinh dự nhất, là đẹp nhất… Đấy, đại khái cậu nói thế, mình phải khái quát lại cho ngắn gọn và dễ nhớ chứ, sao lại bảo nhà báo nói. Thế là lần sau, trong một cuộc họp ở Hà Nội, Lê Mã Lương nhận câu nói đó là của mình.

Ông cười khà khà một cách sảng khoái.

Đất nước thống nhất năm 1975 chưa được bao lâu thì lại nổ ra hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Lúc này, Khánh Vân tuổi đã cao, nhưng vẫn mải miết đi và viết. Ông sang Campuchia, lặn lội từ Stung Treng đến Preah Vihear cả tháng trời mà không sợ tàn quân Khmer Đỏ, rồi về tòa soạn bị sốt rét nhưng vẫn trùm chăn viết ký sự “Hông Bô-rây” nói về thân phận một cô bé Campuchia dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau này, trên mặt trận chống tiêu cực, Khánh Vân là một trong những nhà báo chiến sĩ nhiệt huyết, tiến công kiên quyết vào nạn tham nhũng, lãng phí, trù dập người lương thiện… Ngòi bút ông rung lên, căm phẫn trước sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Ông yêu đất nước, yêu quê hương nhiệt thành, viết báo cũng nhiệt thành, có lẽ vì thế có người cho rằng tính cách ông hơi thái quá, bài viết cũng vậy.

- Người ta bảo thế à? Những bài viết có lửa hồi ấy, giờ đọc lại tôi chẳng thấy mình thái quá gì cả. Không, tôi không có tính yêu ai bốc họ lên tận mây, ghét ai là như xúc đất đổ đi đâu. Tôi tự kiểm điểm như vậy!

Suy nghĩ một lát, ông nói tiếp:

- Có lẽ tôi hay phát biểu hăng hái, có lửa chăng? Có người còn nói tôi là “Bôn sệt”. Không, tôi Bôn (Bonshevik) nhưng không “sệt”. Nhưng mà này, anh bạn ạ, bây giờ chủ trương của Đảng là làm sao đạt được mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà đảng viên không biết làm giàu là đảng viên xoàng, đảng viên mà cứ ngơ ngơ ngác ngác thì nên khai trừ họ ra khỏi Đảng đi. Ấy là tôi nghĩ thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại tá, nhà báo Đinh Khánh Vân: Nhiệt thành sống, nhiệt thành cầm bút

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO