Đắk Lắk, Gia Lai: Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya

Thanh Nga- Kim Ngân 08/09/2023 14:00

Sáng 8/9, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị khoanh vùng bảo vệ Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện thuộc hai tỉnh cùng các nhân chứng lịch sử.

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung, nơi Đảng bộ tỉnh đã họp bàn và đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; nơi đào tạo cán bộ và tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang, từ điểm tập kết muối, gạo, vũ khí đã trở thành trạm trung chuyển phân phát gạo, muối, vũ khí giữa các vùng giải phóng của các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ, gồm: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa lên Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ.

Ngoài ra, Khu căn cứ kháng chiến còn là nơi bảo vệ, lưu thông tuyến hành lang chiến lược từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam; nơi vận chuyển sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam và tổ chức chốt chặn các đợt hành quân của địch từ miền núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng lên Tây Nguyên.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi của cả vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy không chỉ là nhiệm vụ lập hồ sơ trình xếp hạng mà công tác bảo tồn và phát huy còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk để nỗ lực phát huy giá trị Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Để tiến hành các bước xây dựng hồ sơ khoa học theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hội nghị tập trung nghe tham luận, phân tích, đánh giá nhằm bổ sung thêm các luận cứ khoa học để minh chứng về giá trị lịch sử, tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích quốc gia, tiếp tục thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ ký ức về Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya.

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe nhân chứng lích sử chia sẻ ký ức về Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya; tham luận về vai trò của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975); nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya; Công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững gắn với việc phát huy giá trị Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya; Dự thảo lý lịch khoa học Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu.

Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, qua các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị thống nhất tên gọi chính thức của di tích là: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ của Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là 19,8 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I là 7,0 ha; Khu vực bảo vệ II là 12,8 ha. Về giá trị lịch sử của Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya sẽ tiếp thu bổ sung các thông tin cơ bản, quan trọng mà các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt một thời chống Mỹ của Đắk Lắk tại Khu căn cứ Čư Jŭ - Dliê Ya góp ý, hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng.

Đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk và các cấp, các ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh, địa phương tích cực phối hợp đẩy nhanh nghiên cứu xây dựng, lập hồ sơ phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hướng đến xây dựng Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya mãi là Địa chỉ Đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Các đơn vị thống nhất ký Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya.

Dịp này, các đơn vị thống nhất ký Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya.

Bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho UBND tỉnh Gia Lai.

Trước đó tháng 3/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và các sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh phối hợp tổ chức khảo sát xác định tọa độ, diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya.

Các điểm khảo sát đều thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Cụ thể: Điểm K91 là nơi đóng trại đầu tiên của cơ quan Thường vụ Ban cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1955-1959, các địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, lần thứ II và lần thứ VI, điểm đứng chân của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk từ năm 1972 đến 1975.

Cư Jŭ - Dliê Ya với địa thế là vùng núi non hiểm trở và có tầm chiến lược quan trọng đã được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến.

Tại đây, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã tổ chức 3 lần Đại hội Đảng bộ tỉnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (tháng 8/1960); Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (tháng 8/1963); Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (tháng 9/1973) đề ra những sách lược và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng tỉnh nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) mở màn chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk, Gia Lai: Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO