Xác định việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng trong công tác đối ngoại Nhân dân, MTTQ các cấp trong huyện Buôn Đôn đã có nhiều hoạt động gắn kết tình đoàn kết hữu nghị với nước bạn Campuchia.
Buôn Đôn là huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, diện tích tự nhiên 141.040 ha. Huyện có 17.716 hộ với 74.388 khẩu, với 29 dân tộc anh em cùng sinh sống (DTTS chiếm 46,39%). Huyện có đường biên giới dài 45,542 km giáp với huyện Cô Nhét, tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia); có 4 đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn gồm đồn 743, 747, 749 và tiểu đoàn huấn luyện cơ động D19.
Buôn Đôn là huyện có điều kiện thổ nhưỡng đất đai và thời tiết không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế của người dân nên đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao (chiếm 29,98%); đặc biệt là Nhân dân khu vực biên giới có tới 78% là người đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, địa hình khu vực biên giới chủ yếu là rừng núi, có nhiều đường mòn đi về biên giới nên rất khó khăn trong việc kiểm soát địa bàn và tập hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều yếu tố để tội phạm hoạt động, lẩn trốn, vi phạm lâm luật, vượt biên trái phép…
Ông Y Sê Êban, Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Buôn Đôn cho biết; trong những năm qua, Cấp ủy, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong huyện luôn quan tâm đến việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng trong công tác đối ngoại Nhân dân của huyện; trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện với vai trò, trách nhiệm của mình đã phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên từ huyện đến xã tích cực tuyên truyền các nội dung trong Biên bản thỏa thuận hợp tác “Xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia); tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng, trọng tâm là công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia thôn buôn trên địa bàn xã Krông Na.
Mặt trận huyện đã phối hợp tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Kết quả trong nhiệm kì qua đã tổ chức đón 8 đoàn đại biểu huyện Ko Nhek và huyện Pech Chanda sang thăm và làm việc tại huyện Buôn Đôn và tham mưu cho huyện tổ chức đoàn đại biểu lãnh đạo huyện và xã Krông Na sang thăm và làm việc với huyện Ko Nhek, xã Sore Hui và huyện Pech Chanda nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia.
Mặt trận huyện đã vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và giúp đỡ bà con người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Mondulkiri (năm 2020). Tham mưu cho huyện cử các đoàn công tác đến thăm hỏi, hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt về lương thực, thực phẩm, chăn màn, giường xếp và nhu yếu phẩm thiết yếu, trị giá hàng chục triệu đồng.
Riêng Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia huyện tặng Đồn Me Rúc 100 kg gạo và 6 thùng mỳ tôm nhằm giúp bạn khắc phục hậu quả lũ lụt xảy ra đầu tháng 8/2019. Ban Chỉ huy 3 Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ Động BĐBP Đắk Lắk đồng chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động đối ngoại Nhân dân giữa Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia với các đơn vị BĐBP phòng tỉnh đóng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020; đồng thời tiếp tục ký kết chương trình phối hợp hoạt động đối ngoại Nhân dân giữa Huyện Hội với các đơn vị BĐBP nói trên (giai đoạn 2020-2025). Các hoạt động trên đã góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân huyện Buôn Đôn (Việt Nam) và huyện Ko Nhek, huyện Pech Chanda (Vương quốc Campuchia) qua đó gắn với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến tận các khu dân cư trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng đến các khu dân cư gần khu vực biên giới như buôn Đrang Phôk, xã Krông Na.
Mặt trận huyện đã hướng dẫn MTTQ Việt Nam xã biên giới Krông Na phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên, đội công tác 253 và các đơn vị biên phòng đóng chân trên địa bàn phát động Phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ cột mốc, đường biên, giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn khu vực biên giới” đến 8/8 thôn, buôn trên địa bàn xã được 50 đợt với 500 buổi có 4.850 lượt người tham gia.
Mặt trận cũng đã thành lập được 18 tổ tự quản đường biên; 1 tổ tự quản ANTT tại buôn Ea Rông B, xã Krông Na; tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình nội, ngoại biên cùng như kiểm tra dấu hiệu đường biên, cột mốc; cùng với cán bộ, chiến sỹ tổ chức phát dọn tại các cột mốc 44, 45, 46, 47 được 60 đợt với 3.200 ngày công.
Phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, các chốt chặn vùng ven biên giới và các điểm xung yếu, kịp thời ngăn chặn những đối tượng xâm nhập vào khu vực vùng biên, ngăn chặn những đối tượng có dấu hiệu vi phạm quy chế biên giới được 200 đợt với 1.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trong những năm qua luôn được giữ vững.