Ngày 28/4/2017, Báo Đại Đoàn Kết có bài viết: “Đắk Song (Đắk Nông): Xử lý không nghiêm dẫn đến tranh chấp”. Sau khi báo đăng, ông Vũ Đức Chế, người được nêu trong bài đã gửi đơn kiến nghị gửi các cơ quan. Ngày 22/5, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã làm việc trực tiếp với ông Chế, đồng thời tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng.
Nhiều ngôi nhà kiên cố đã được dựng lên tại khu vực đất đang tranh chấp.
Tại buổi làm việc với ông Vũ Đức Chế, phóng viên đã đề nghị ông Chế cung cấp hồ sơ, các văn bản, quyết định liên quan… theo đơn kiến nghị. Trao đổi với phóng viên, ông Chế luôn khẳng định đất của ông Trần Hiên khi mua không có đất mặt đường.
Trong đơn kiến nghị, cũng như trao đổi, ông Chế cho rằng, gia đình ông Lê Hồng Phong và vợ Phạm Tuyết Trinh đã lấy đất của ông Chế bán cho ông Trần Hiên. Ông Chế luôn khẳng định mình có 4,5 ha đất vừa mua vừa khai hoang.
Xung quanh về nguồn gốc đất, theo Quyết định số 1730/QĐ-CTUBND ngày 20/11/2007 của UBND huyện Đắc Song về việc giải quyết đơn tố cáo của nhân dân, thì ông Chế nhận sang nhượng của ông Lê Hồng Phong lô đất có một ngàn hố đã đào trồng cà phê, có giấy sang nhượng viết tay không có diện tích và sơ đồ đất cụ thể.
Theo văn bản này, thửa đất ông Chế mua của ông Phong nằm trong tiểu khu 1125. Quyết định của UBND huyện nêu: “Ông Lê Hồng Phong đã chiếm đất lâm nghiệp của Lâm trường Thuận An làm rẫy, đến năm 1997 sang nhượng trái phép cho ông Vũ Đức Chế là chưa đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Ông Chế đã lợi dụng việc xác nhận của nhân dân trong xóm 1, thôn 12 là có đất mặt đường đi (Ma Nham) để sang nhượng cho người khác bất hợp pháp”. Còn tại Quyết định 319/QĐ-CTUBND ngày 13/4//2011 của UBND huyện Đắc Song nêu: “Trước năm 2003, vi trí đất hộ ông Vũ Đức Chế khiếu nại thuộc tiểu khu 1125 của Lâm trường Thuận An.
Do sự quản lý lỏng lẻo của Lâm trường Thuận An đã để các hộ dân lấn chiếm, sử dụng trái phép, trong đó có hộ ông (bà) Phùng Thị Vĩnh chồng là ông Dũng thường trú tại tổ dân phố số 2, thị trấn Đức An, huyện Đức Song, tỉnh Đắc Nông là người khai hoang mảnh đất trên. Sau này hộ bà Phùng Thị Vĩnh bán cho hộ ông Lê Hồng Phong (Trinh)”.
Theo Biên bản làm việc ngày 28/7/2014 giữa Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Song với ông Lê Hồng Phong và bà Phạm Tuyết Trinh. Ông Phong khẳng định, ngày 20/11/1997 gia đình ông có bán đất cho ông Vũ Đức Chế với diện tích 1.000 cây cà phê có tứ cận rõ ràng, trong đó chiều ngang mặt đường khoảng 15m, chiều dài 120m, hai bên thỏa thuận bằng giấy viết tay, việc mua bán này có ông Trần Xuân Cải làm chứng và diện tích khoảng 1 ha, với số tiền 8,7 triệu đồng.
Cùng với đó, ông Phong, bà Trinh cũng xác nhận vào ngày 10/12/1998 họ có bán cho ông Trần Hiên 38.000m2 trong đó ghi rõ tứ cận (phía Đông giáp đất ông Soạn (chủ mới là ông Vũ Đức Chế); phía Tây giáp ông Dũng (chủ mới là ông Phòng); phía Nam giáp đường be, phía Bắc giáp sình).
Ông Phong khẳng định ngoài phần đường đi 15m bán cho ông Chế, mặt đường còn lại gia đình bán cho ông Hiên có chiều dài gần 200m. Giấy tờ mua bán có xác nhận của ông Nguyễn Xuân Thu- Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Song (cũ).
Việc mua bán của ông Chế với ông Phong, bà Trinh cũng được ông Phan Trung Kiên (thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song) xác nhận trong Biên bản ngày 13/12/2013, khi UBND thị trấn Đức An mời ông Kiên lên làm chứng trong việc tiến hành hòa giải giữa ông Chế và ông Hiên.
Ông Kiên cho biết, ông là người làm rẫy trực tiếp trên lô đất gia đình ông Phong, bà Trinh đứng tên. Việc mua bán đất giữa gia đình ông Phong, bà Trinh và ông Chế, ông có chứng kiến và là người đứng ra trực tiếp giao đo cho ông Chế gần 1 ha từ sình lên đến đường be cũ.
Ông Kiên khẳng định, ông Hiên mua lại khoảng 3,9 ha của gia đình ông Phong, bà Trinh là đúng sự thật và khi mua có đường đi. Khi ông Chế lấn chiếm đất của ông Hiên, ông Kiên có nói nhiều lần với ông Chế không được lấn chiếm, nhưng ông Chế không nghe.
Ngày 17/2/2014, ông Nguyễn Văn Anh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức An (nay là Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã có báo cáo gửi lên UBND huyện Đắk Song trong đó nêu rõ: Tại buổi hòa giải, các nhân chứng đều khẳng định phần đất tranh chấp thuộc về thửa đất ông Hiên đã nhận chuyển nhượng của ông Lê Hồng Phong và bà Phan Tuyết Trinh.
Làm việc với phóng viên, ông Đồng Văn Giáp- Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Song cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với ông Chế và ông Hiên, tuy nhiên về phía ông Chế ông không cung cấp được giấy tờ, hồ sơ nào liên quan đến diện tích đất tranh chấp với ông Hiên.
Về phía ông Hiên sau khi ông cung cấp các giấy tờ chứng minh được nguồn gốc đất rõ ràng, chúng tôi đã hướng dẫn ông Hiên kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi theo Luật Đất đai năm 2013”.
Hiện tại trên lô đất đang tranh chấp này nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa trái phép, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn không đứng ra xử lý triệt để. Trao đổi với chúng tôi ngày 10/5/2017, ông Nguyễn Phước Thiện- Chủ tịch UBND thị trấn Đức An lấy lý do ông mới về nhận công tác nên không nắm rõ, việc xẩy ra tranh chấp đất đai là do chính quyền trước làm thiếu trách nhiệm.
Để giải quyết vụ việc, trước đó, ngày 16/7/2015 Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Viết Sinh tiếp tục có công văn số 1028/UBND-TNMT gửi Công an huyện Đắk Song yêu cầu nhanh chóng giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Trong Thông báo số 31 ngày 4/3/2016 của Công an huyện Đắk Song ghi: “Việc ông Vũ Đức Chế tự ý sang nhượng đất được giao trồng rừng và đất mà ông Chế lấn chiếm trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hành vi lấn chiếm, sang nhượng trái pháp luật.
Trong quá trình điều tra cho thấy ông Chế chưa có tiền án, tiền sự về hành vi trên, hậu quả của hành vi gây ra chưa đến mức nghiêm trọng phải xử lý về hình sự. Công an huyện đề xuất UBND huyện Đắk Song chỉ đạo Phòng TNMT huyện lập hồ sơ xử lý đối với ông Vũ Đức Chế theo đúng quy định pháp luật”.
Thiết nghĩ, UBND huyện Đắk Song cần làm rõ vụ việc, sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai và trước mắt cần có biện pháp xử lý việc xây dựng trái phép đang diễn ra trên diện tích đất đang tranh chấp này.