Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp vẫn tăng khá, ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là thông tin đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2021 Bộ Công thương diễn ra chiều (12/3). Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các ngành, các cấp đã chủ động triển khai kịp thời các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thu nông sản.
Theo đó, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, sản xuất phân phối điện tăng 4,3%, sản xuất kim loại tăng 30,3%...
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%. Các thị trường đạt kim ngạch nhập xuất khẩu lớn như Hoa Kì, Anh…Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 20,66 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng trước.
Đối với phát triển thị trường trong nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kép vừa quyết liệt chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Công thương đã kịp thời tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương. Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc trực tiếp với các nhà phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung – cầu giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.