Mặt trận

Đảm bảo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Phượng 24/09/2024 20:33

Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện các Dự án trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Giam sat (11)
Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận tổ chức giám sát Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Bác Ái.

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có 28 xã. Trong đó, có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hơn 480,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang là gần 140 tỷ đồng và nguồn vốn trong năm 2024 là hơn 340 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn lực được phân bổ, tính đến 31/8/2024, toàn tỉnh đã giải ngân gần 190 tỷ đồng, đạt 39,5%. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân đạt 73,6% và vốn sự nghiệp giải ngân đạt gần 16%.

“Trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã tích cực triển khai các Dự án, tiểu dự án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nhằm xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Nghị quyết số 48/NQ-HĐND về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về việc “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, giúp cho bà con sớm có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống”, bà Pi Năng Thị Thủy chia sẻ.0

Trong công tác giao kế hoạch vốn, phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2022-2023 đã được tỉnh thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Trong 2 năm (2022 và 2023) tỉnh đã giao 86,942 tỷ đồng cho nhiệm vụ “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” tỉnh. Trong đó giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được giao tổng số vốn là 58,968 tỷ đồng.

z5862943825673_d07312f3a35e0d93ea9c8736d8d52074.jpg
Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận giám sát Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh năm 2023 tại một số địa phương cho thấy, các địa phương đã tích cực thực hiện các nội dung trong chương trình và đạt được kết quả nhất định. Tiêu biểu như tại huyện Ninh Sơn, huyện đã hỗ trợ xây dựng hoàn thành nhà ở cho 87 hộ và đang tiếp tục xây mới nhà ở cho 89 hộ nghèo. Còn tại huyện Bác Ái trước đây, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Mỗi mùa khô đến, lượng nước cạn kiệt, bà con luôn phải sống trong cảnh thiếu nước. Hơn nữa, việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo sức khỏe. Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và việc nhà máy nước Phước Hòa được đưa vào sử dụng, đời sống của bà con dân tộc ở Bác Ái đã thay đổi rõ rệt. Có hệ thống ống nước sạch về tận buôn làng, khu vực công trình phụ như bếp ăn, nhà vệ sinh, tắm, giặt của các gia đình đều được sửa sang sạch đẹp hơn rất nhiều

Để đảm bảo chính sách đến được với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức giám sát thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại một số địa phương. Qua giám sát, bà Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn chương trình, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, phát hiện, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số