Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, đang nghiên cứu đề xuất cho nhân viên trường học được hưởng phụ cấp tương xứng với vị trí, việc làm. Cùng đó, Bộ tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ phức tạp trong công việc của nhân viên trường học để làm cơ sở điều chỉnh chính sách hiện hành.
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, hiện nay, toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán; trên 32.100 nhân viên y tế, trên 35.100 nhân viên thư viện, gần 32.300 nhân viên thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 nhân viên công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật… Nhân viên trường học đa số chỉ hưởng lương trung cấp (hệ số khởi điểm 1,86) hoặc tối đa cao đẳng (hệ số khởi điểm 2,1), rất khó được thăng hạng chuyển xếp lương đại học (ĐH) - dù nhiều người đã có trình độ ĐH do vướng nhiều quy định, thủ tục.
Thực tế, công việc của nhân viên trường học hiện nay rất vất vả, thu nhập lại thấp. Phần lớn ngân sách nhà nước dành cho các trường công lập đều tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh và phụ cấp thêm cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, các vị trí nhân viên trong trường học không nằm trong đối tượng được hưởng những chính sách phụ cấp này.
Theo Nghị định 204 của Chính phủ, nhân viên trường học được hưởng lương theo hệ số 1,86-4,89, tương đương lương hàng tháng khoảng 4,35-11,4 triệu đồng. Ngoài ra, nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20%; kế toán, thủ quỹ, người phụ trách thiết bị thí nghiệm hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1-0,2%. Nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp. Trong khi đó, cùng công việc này nhưng ở các cơ quan hành chính nhà nước khác, viên chức được hưởng phụ cấp công vụ 25%.
Trước đó, năm 2023 sau khi Bộ GDĐT có các công văn hướng dẫn về thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên trường học, một số địa phương đã ban hành văn bản về về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ này. Điều đáng nói, mặc dù Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Bộ GDĐT đều có văn bản quy định về vị trí việc làm và thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ lương và phụ cấp độc hại. Tuy nhiên, đến nay, ngoài lương, đội ngũ nhân viên trường học nói chung và nhân viên thư viện trường học nói riêng vẫn không có thêm bất kỳ khoản nào.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu tất cả nhân viên trường học là giáo viên thì sẽ khó trong việc phân hạng, ngạch. Khi đó phải phân thành giáo viên thư viện, giáo viên thư viện chính, giáo viên thư viện cao cấp liệu có phù hợp với thực tế? Cụ thể, Thông tư 02/2022 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện. Nếu để nhân viên thư viện cũng là “giáo viên” và điều chỉnh theo Luật Nhà giáo như đề xuất của nhiều người sẽ tạo bất cập trong xác định phạm vi nghề nghiệp nhà giáo, mâu thuẫn với Thông tư 02/2022. Gần đây, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 05/2024 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng với viên chức hành chính, văn thư, lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định số 85/2023 của Chính phủ. Theo đó, văn bản này đáp ứng phần nào nguyện vọng của đội ngũ nhân viên hành chính văn thư, lưu trữ.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Trước hết là sẽ nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo. Tiếp đó, sẽ rà soát để đánh giá mức độ phức tạp của vị trí việc làm của nhân viên trường học để làm cơ sở điều chỉnh theo quy định hiện hành, góp phần cải thiện thu nhập…