Ngày 19/7, tại Hà Nội, Liên minh vận động chính sách dựa vào bằng chứng khoa học, Hội Y tế công cộng đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh.
Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo, hàng năm có gần 200 nghìn người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, là hậu quả liên quan trực tiếp từ việc tác động của ô nhiễm công nghiệp và tiêu thụ rượu bia, thuốc lá.
Bài học về môi sinh và sức khỏe cộng đồng được Hội thảo đưa ra ví dụ về vụ xả thải công nghiệp của Formosa Hà Tĩnh, đã gây hậu quả lâu dài trong hơn 4 tháng qua. Thực tế đó cũng cho thấy về những bất cập trong chính sách, đem đến hậu quả lâu dài khi tiếp nhận và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư, những doanh nghiệp phi nhân bản.
Việc hội nhập quốc tế và mở cửa đầu tư sẽ mang lại lợi ích, cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng đi kèm với đó là những thách thức lớn đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, để đảm bảo mục tiêu phát triển vị nhân sinh bền vững.
Cùng với đó, các chuyên gia tại Hội thảo cũng khẳng định, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, việc cần hành động ngay bây giờ đó là: Lập ra danh sách các doanh nghiệp nhân bản thực hiện đúng các công ước quốc tế, chỉ ra các doanh nghiệp phi nhân bản liên quan đến sản xuất và xử lý các hóa chất độc hại đến sức khỏe con người và môi sinh; Với khả năng cao nhất, chuẩn bị nội dung của TPP với những lưu ý đảm bảo không để nguồn lực đất nước bị tiêu phí cho hậu quả đầu tư của các doanh nghiệp phi nhân bản, đảm bảo TPP không mâu thuẫn với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết…