Đảm bảo tiến độ xây dựng Luật Nhà giáo

Thu Hương 18/08/2023 08:30

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo biên soạn dự án Luật Nhà giáo mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo, một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.

Kỳ vọng quyền và nghĩa vụ của giáo viên sẽ rõ ràng hơn khi có Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa.

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối năm học 2021 - 2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.

Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Gần 115.000 sinh viên đang học tập tại trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Với đội ngũ hùng hậu, chiếm số lượng lớn trên tổng số hơn 1,7 triệu viên chức của cả nước, đòi hỏi phải xây dựng Luật Nhà giáo đặt ra từ lâu. Tới ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Theo Nghị quyết này, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GDĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Vừa qua, ngày 4/8/2023, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2248/QĐ-BGDĐT thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn dự án Luật Nhà giáo. Trưởng ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng là Phó Trưởng ban thường trực; các Thứ trưởng: Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Văn Phúc, Ngô Thị Minh là Phó Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo biên soạn dự án Luật Nhà giáo đã họp phiên đầu tiên vào ngày 11/8. Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, đến nay các thủ tục hành chính cơ bản đã hoàn tất, như thành lập Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhóm chuyên gia… Về chuyên môn, Cục đã hoàn thiện dự thảo đề cương chi tiết của Luật. Dự kiến tiến độ xây dựng Luật cũng đã được xây dựng.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo dục đó là cần gỡ khó trong việc đào tạo đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116. Thầy giáo Đinh Ngọc Thắng (Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh) cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật Nhà giáo có nội dung “mỗi nhà giáo có sứ mệnh giáo dục con người”. Đây là nội dung giá trị, thiết thực. Nếu dự thảo trên được thông qua sẽ mang lại lợi ích to lớn, giá trị quan trọng trong việc ươm mầm và đào tạo giáo viên. Bản thân mỗi nhà giáo hôm nay cũng cần làm tốt công tác nêu gương các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên giáo dục tiêu biểu để góp phần nâng cao hiểu biết, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ lựa chọn nghề giáo.

Theo thầy Thắng có 3 việc cần làm trong nêu gương nhà giáo. Đầu tiên, cần nêu gương cán bộ quản lý giáo dục vì họ thể hiện sự hội tụ, đoàn kết trong cơ sở giáo dục. Tiếp đó là nêu gương các thầy cô giáo vì họ là tấm gương gần gũi nhất với người học. Cuối cùng là nêu gương những người làm việc gián tiếp tại các cơ sở giáo dục. Bởi lẽ, nhà trường là một thể thống nhất, trong nhà trường không chỉ có tấm gương của nhà giáo mà còn có các nhân viên giáo dục, góp phần xây dựng giá trị của một cơ sở giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vấn đề đặt hàng, đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP để tuyển dụng vào viên chức giáo viên theo quy định của pháp luật về viên chức cần được UBND cấp tỉnh quán triệt, triển khai và thực hiện đúng quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trong việc xác định nhu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi xây dựng Luật Nhà giáo, nội dung này sẽ được cụ thể hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay trong quá trình triển khai Nghị định.

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong hơn 2 năm qua, hơn 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non bỏ việc. Nguyên nhân chính là do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, bên cạnh việc tích cực góp ý hoàn thiện xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.

Dự án Luật Nhà giáo sẽ được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo tiến độ xây dựng Luật Nhà giáo