Bộ Nội vụ đã ban hành dự thảo (lần hai) Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đáng chú ý, cùng với các hình thức khen thưởng cụ thể thì những cán bộ dám nghĩ, dám làm được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện, nhưng khi thực hiện xảy ra thiệt hại cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại.
Phân rõ lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái
Dự thảo nêu rõ, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đối với người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Trường hợp thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể.
Trước đó, Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn. Bộ Nội vụ sẽ cố gắng trình Chính phủ trong quý II/2023.
Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì việc chung. Bởi đây sẽ là cơ sở để động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của cơ quan, đơn vị.
Ở đây, một vấn đề cũng cần làm rõ, đó là lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái. Vì vậy, nghị định phải xác định rõ quan điểm, đảm bảo tính minh bạch, công khai, mang tính nguyên tắc. Xuất hiện những “vùng xám”, chồng chéo, và cả những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật đã khiến một bộ phận cán bộ rơi vào nỗi thấp thỏm “đi trên dây” giữa lằn ranh đúng - sai.
Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa bằng những quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người “núp bóng” sáng tạo, đổi mới để trục lợi.
Thời gian qua, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật, sợ bị đi tù xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, khiến công việc ùn tắc. Có người đã gọi đó là “virus sợ trách nhiệm”, cần phải có thuốc đặc trị.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Đảng ta đặt ra từ lâu. Đặc biệt, tại Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", ngày 22/9/2021, được cho là khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ, đồng thời còn là “lá chắn” bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí khi đưa ra những quyết định quan trọng. Kết luận số 14 chính là cụ thể hóa thêm một bước Nghị quyết số 05-NQ/HNTW khóa VI, ngày 20/6/1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”. Tại Nghị quyết số 05 đã có khái niệm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong hệ tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp đó, tại Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đòi hỏi khách quan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói với báo chí, đổi mới, sáng tạo hay dám nghĩ, dám làm là đòi hỏi khách quan, là động lực của phát triển. Thế nhưng, sự đổi mới luôn gặp phải những lực cản của cái cũ, của sự bảo thủ. “Có thủ trưởng không muốn nghe những điều không đúng ý mình, hoặc có động cơ khác mà không muốn. Thực tế, nhiều cái đổi mới thường bị cản trở, thành ra đẩy người ta về con đường mòn, làm y như cũ cho xong chuyện, yên thân” - ông Vũ Khoan nói.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì cho rằng, phải làm cho không chỉ người dân, mà cả cán bộ cũng thấy rằng những người bị xử lý vì tham nhũng thời gian vừa qua là vì tư lợi, lợi ích nhóm, chứ không ai bị bắt vì dám làm, dám chịu trách nhiệm cả. Vì thế, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung là cần có "liều vaccine đặc trị" để áp chế “con virus sợ trách nhiệm” với nhiều “biến chủng” khác nhau.
Để “liều vaccine” có hiệu quả, thực tiễn cho thấy, nhân tố quyết định là ở người lãnh đạo, bộ máy lãnh đạo. Nếu không phải người đổi mới sáng tạo thì cũng phải là người biết lắng nghe, không dám thử thì cũng dám để cho người ta thử và nếu có trục trặc thì đứng ra bảo vệ.
Thực tế cho thấy, khi lãnh đạo dám đứng ở “đầu sóng, ngọn gió” thì cán bộ, đảng viên bên dưới sẽ gạt bỏ được nỗi sợ trách nhiệm; dấn thân, sáng tạo, cống hiến và dám nghĩ, dám làm.
Tại một cuộc tọa đàm “Làm gì để khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm”, ông Nguyễn Túc cho rằng cơ chế này đã có cơ sở trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ông Túc cũng đặt vấn đề, “anh đề xuất dự án, công trình mới, đột phá, nhưng người đứng đầu ngại, thiếu trách nhiệm thì thế nào?”. Từ đó ông Túc cho rằng nhiều cán bộ đứng đầu hiện nay “vo tròn”, sợ trách nhiệm, lo giữ ghế nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo. Cùng đó, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần sớm có một quy định về cơ chế thí điểm đối với những vấn đề mới. “Cái quan trọng hơn để tạo khuôn khổ thể chế cho người đứng đầu ủng hộ dám nghĩ, dám làm là phải thăng chức theo thành tích. Người đứng đầu ngành đó mà thành tích lớn nhất thì lên chức cao hơn nữa. Thành tích phải đong đếm được chứ không phải chỉ bỏ phiếu tín nhiệm là xong” - ông Dũng nêu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, bảo vệ cán bộ thì đầu tiên phải là luật. Nói bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà không có cơ chế, luật rõ ràng để họ làm thì họ cũng không dám.
Từ đây dẫn tới việc lựa chọn cán bộ, vấn đề “then chốt của then chốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh. Cốt cách con người vẫn là quyết định, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), chỉ ra rằng hạn chế trong việc chọn người hiện nay là quá phụ thuộc vào cơ quan tổ chức, chọn từ trên xuống mà không phát hiện từ dưới lên, trong khi cơ quan tổ chức cán bộ quá phụ thuộc vào lý lịch, bằng cấp mà ít lắng nghe ý kiến nhân dân. Ông Chuẩn cho rằng chỉ khi cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được chọn có đủ nền tảng văn hóa, tầm nhìn sâu rộng, tiếp cận được những tư duy mới thì họ mới dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mà muốn vậy, có nghĩa là để những nhân tố mới phát huy, thì rất cần có những quy định rõ ràng cả về mặt khuyến khích cũng như mặt bảo vệ. Ở đây, rất cần sự tinh tường của cán bộ lãnh đạo trong việc lắng nghe, nhận ra những ý kiến tích cực từ đó quyết định thực hiện và quyết tâm bảo vệ cái đúng, bảo vệ những con người có tư duy đổi mới sáng tạo.
Chỉ có như vậy “căn bệnh sợ trách nhiệm” mới được chữa lành. Khi những nhân tố tích cực được khuyến khích, bảo vệ thì như một cách tự nhiên những đối tượng trì trệ cũng dần được kéo theo.
Vì thế, việc Bộ Nội vụ ban hành dự thảo (lần hai) Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là cần thiết, để thể chế hóa Nghị quyết, Kết luận của Đảng. Thực tế cuộc sống đòi hỏi nghị định này phải sớm ra đời. Được biết, theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 4/2023, dự thảo Nghị định này phải hoàn thành.