Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thừa nhận trách nhiệm của cơ quan này trong việc chưa điều tiết có hiệu quả thị trường thịt lợn. Đồng thời, “tư lệnh ngành” nông nghiệp cũng hứa sẽ rà soát nhu cầu cung - cầu, để có giải pháp cụ thể tháo gỡ, nhằm giúp đỡ người chăn nuôi, giảm giá thịt lợn trên thị trường.
Những ngày qua, thị trường thịt lợn đang diễn ra một nghịch lý, trong khi giá lợn hơi rất thấp thì giá thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị lại cao ngất ngưởng. Nhiều người chăn nuôi, thậm chí một số trang trại lợn lớn đang lao đao, khó bán lợn hơi vì các tư thương kén chọn, dìm giá. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao gấp 3-4 lần.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, đường đi của chuỗi cung ứng thịt lợn cho thấy các khâu trung gian đang ngồi không hưởng lợi nhiều nhất, gấp vài lần so với các “lão nông chi điền” trực tiếp chăn nuôi. Lao động vất vả vài tháng mới được lứa lợn, cùng với đó là tiền thức ăn, điện, nước... nhưng người nuôi lợn chỉ mong gỡ hòa vốn đã mừng.
Còn cách đây gần một năm, thị trường thịt lợn bỗng nhiên bị khan hiếm nguồn cung khiến giá lợn hơi, nhất là giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị tăng chóng mặt. Dù nhu cầu tiêu thụ không tăng đột biến, nhưng giá thịt lợn cứ leo thang mỗi ngày khiến không chỉ người tiêu dùng đau đầu, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng úng túng cách xử lý.
Tất cả những diễn biến bất thường của thị trường thịt lợn trong thời gian qua đều có chung xuất phát điểm là cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã không lường hết được tình hình thị trường, hay nói cách khác là không dự báo được yếu tố cung - cầu trên thị trường. Vì không dự báo được cung - cầu nên khó mà điều tiết được thị trường.
Chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phải thừa nhận: Đúng là ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm. Ngay cả trong điều kiện bình thường cũng chưa có dự báo và điều tiết được thị trường. Lâu nay chúng ta cứ khuyến khích sản xuất, chăn nuôi làm sao tốt nhất, còn chuyện mua bán lại coi là chuyện riêng của bà con, như vậy là không được.
Ngoài yếu tố chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra những yếu tố khách quan khiến thị trường thịt lợn có sự bất cập thời gian qua. Chẳng hạn, khi giãn cách nhiều lò mổ phải dừng hoạt động, dẫn đến khan hàng cục bộ. Ngoài ra, luồng vận tải đứt gẫy cũng tác động đến thị trường. Có thời điểm thị trường cần nhưng nông sản không tới được vì mất cả tháng để thống nhất cái gì thiết yếu, cái gì không thiết yếu...
Dư luận cho rằng, dẫu nguyên nhân dẫn đến sự bất cập trong cung - cầu của thị trường thịt lợn là chủ quan hay khách quan thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn. Bởi nếu cơ quan quản lý nhà nước dự báo tốt, có kế hoạch ứng phó với các tình huống phát sinh thì sẽ không bị động, lúng túng trong khâu điều tiết thị trường.
Vì thế, việc Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đứng ra nhận trách nhiệm là hết sức cầu thị. Lâu nay, việc một “tư lệnh ngành” đứng ra nhận trách nhiệm khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành mình chưa nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm gặp.
Dư luận hy vọng sau khi nhận trách nhiệm, người đứng đầu ngành nông nghiệp sẽ có những biện pháp cụ thể để khắc phục, không chỉ với thị trường thịt lợn, mà với cả những mặt hàng nông sản khác. Xã hội cũng kỳ vọng việc đứng ra nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ là tiền lệ tốt, là tấm gương cho người đứng đầu các bộ, ngành khác noi theo. Nếu nhận trách nhiệm được xây dựng thành nét văn hóa thì sẽ rất tốt cho xã hội.