Một đầm sen đẹp mê hồn, rộng 7 ha, tại thôn Thanh Châu (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đặc biệt, đầm sen này còn mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Có mặt tại khu trồng sen của bà con thôn Thanh Châu (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mới biết đây từng là vùng đầm lầy, trồng lúa.
Việc trồng lúa liên tục bị thua lỗ, mất mùa, nên người dân chán nản đành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Ban đầu, một số hộ dân trong thôn đưa cây sen về trồng để làm cảnh.
Tuy nhiên, khi cây sen mọc lan rộng, đến mùa ra hoa, người dân bóc hạt sen đem bán và thấy có thu nhập khá.
Thấy hiệu quả kinh tế hơn trồng lúa, nhiều hộ dân đã tập trung trồng sen trên diện rộng với tổng diện tích khoảng 7 ha.
“Lúc đầu, thấy sen mọc hoang ở một số ao hồ trong làng nên chúng tôi thu gom đưa về trồng ở ruộng bỏ hoang cho đẹp.
Cây sen phát triển và nở hoa, khi thu hoạch hạt sen để bán, thấy có thu nhập nên bà con mới tập trung chuyển đổi sang mô hình này", chị Nguyễn Thị Đức (trú tại thôn Thanh Châu) nhớ lại.
Theo người dân nơi đây, khi sen ra hoa đến khoảng một tháng thì bắt đầu cho thu đài sen, cứ 2 ngày người dân sẽ đi hái đài sen một lần. Khi vào mùa, người dân chỉ cần nhìn vào cuống sen sẽ biết đài sen đó đã hái được hay chưa.
Bà Lê Thị Loan (trú thôn Thanh Châu) nhặt những đài sen vừa hái vừa chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi nên sen của các gia đình thôn Thanh Châu rất nhiều hoa, đài sen lớn, hạt to, ăn có vị ngọt và bùi. Vì vậy được rất nhiều thương lái ưa chuộng, đến tận nhà thu mua và bán được giá.
Ngày thường, mọi người thu hái đài sen về tách hạt bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg.
Nhiều hộ trồng sen chia sẻ, vào mùa vụ, ước tính mỗi ruộng sen (rộng khoảng 500 - 1.000m2) của một hộ sẽ cho năng suất từ 3 đến 5 tạ hạt tươi, thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/vụ, gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa.
Khi thời tiết chuyển sang mùa đông, cũng là lúc cây sen tàn, người dân thôn Thanh Châu dùng máy cày để làm đất, diệt trừ cỏ dại, bón phân để bắt đầu vụ sen mới. Có người để sen tự mọc, nhưng cũng có gia đình cấy sen mới để cây phát triển tốt hơn.
“Gia đình tôi trồng hơn 3 sào sen, quá trình chăm sóc cũng không mất nhiều thời gian như trồng lúa. Mỗi mùa vụ, việc bán hạt sen cũng mang lại thu nhập khá cho gia đình. Hái sen tuy mệt vì phải lội bùn lầy nhưng cũng vui vì hạt sen có giá”, ông Nguyễn Đình Mạnh (thôn Thanh Châu) nói.
Không chỉ bán đài sen, hạt sen, các bộ phận khác của cây sen như tâm, nhụy, lá, ngó sen cũng có thể bán được và đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Củ, ngó sen làm thực phẩm, được thương lái tìm đến tận nơi thu mua.
Lá sen thái nhỏ, phơi khô bán lại cho những người có nhu cầu làm thuốc cũng được giá 120.000 đồng/bao.
Bên cạnh đó, người dân Thanh Châu còn sáng tạo thêm món “hạt sen cười” (những hạt sen đã già, được luộc lên sau đó rang vàng thì vỏ hạt sen sẽ bị nứt ra, khiến cho việc bóc tách hạt sen được dễ dàng) nên thu hút rất nhiều khách mua.
Một số hình ảnh tại đầm sen của người dân thôn Thanh Châu: