Giám sát - Phản biện

Dang dở công trình dân sinh

Tấn Thành - Chí Đại 03/06/2024 14:35

Được mạnh thường quân đầu tư để xây điểm trường và cầu treo ở thôn 3 xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng đến khi công trình gần hoàn thành thì phải dừng lại do chồng lấn địa giới hành chính với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

anh-bai-tren-10.jpg
Cầu treo dẫn vào thôn 3, xã Trà Vinh đang bị tạm dừng. Ảnh: T.Thành.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, UBND huyện đã có Báo cáo số 971 gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm dừng thi công công trình dân sinh từ nguồn vốn huy động xã hội hóa trên địa bàn.

Theo đó, những năm qua do việc chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chưa có được tiếng nói chung, khiến việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh như đường giao thông, điện thắp sáng, trường học... tại khu vực thôn 3 của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My không thể triển khai đầu tư từ ngân sách nhà nước do chồng lấn ĐGHC với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Hiện thôn 3, xã Trà Vinh có 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số, hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam) gồm 7 làng, đang sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đăk Nên theo bản đồ địa giới hành chính 364. Vì không thuộc ĐGHC quản lý nên dù theo hộ khẩu là người dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nhưng không thể đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng dân sinh. Huyện Kon Plông cũng không thể đầu tư hạ tầng vì đối tượng thụ hưởng là đồng bào Ca Dong không thuộc hộ khẩu tỉnh Kon Tum.

“Chính vì vậy mà đời sống người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, việc đi lại, giao thương hàng hóa bị ách tắc; sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo; việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, không đảm bảo an toàn khi điểm dạy và học tạm bợ, xuống cấp…” - trích báo cáo số 971 của UBND huyện Nam Trà My.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết, đầu năm 2024 thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, chính quyền địa phương đã kêu gọi các nhà tài trợ, mạnh thường quân ủng hộ xóa điểm trường học tạm, làm cầu treo.

Theo đó, xã Trà Vinh đã kết nối, huy động tài trợ xây cầu treo tại thôn 3, kinh phí 60 triệu đồng. Cầu dài khoảng 20m, rộng hơn 1m, bắc qua suối Nước Tối phục vụ đi lại cho 105 hộ dân. Tại thôn 3, xây dựng điểm trường tiểu học với kinh phí 700 triệu đồng. Điểm trường được xây mới gồm 2 phòng học, nhà nấu ăn và công trình vệ sinh, phục vụ 72 học sinh lớp 1 và lớp 2.

“2 công trình này từ nguồn xã hội hóa được thực hiện trên địa điểm cũ, sẵn có nên không tác động đến môi trường sinh thái, rừng tự nhiên. Hiện 2 công trình gần hoàn thành thì bị xã Đăk Nên lập biên bản buộc tạm dừng thi công, lý do nằm trên địa bàn xã Đăk Nên quản lý” - ông Thương nói.

UBND huyện Nam Trà My đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo chính quyền huyện Kon Plông và UBND xã Đắk Nên tạo điều kiện thuận lợi để các công trình phục vụ dân sinh đang triển khai tại thôn 3, xã Trà Vinh được tiếp tục triển khai để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân trong mùa mưa bão và đảm bảo cơ sở vật chất cho trẻ em trong năm học mới sắp đến.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Thôn 3, xã Trà Vinh chồng lấn ĐGHC với xã Đăk Nên nên việc xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh từ ngân sách nhà nước không thể triển khai. Đường, điện, trường học chưa được đầu tư kiên cố khiến đời sống người dân gặp khó khăn”.

Chị Đinh Thị Sen (38 tuổi), trú thôn 3 nói: “Bà con chúng tôi thấy xây trường mới thì mừng lắm, vì có chỗ an toàn, đàng hoàng cho con cháu ăn học, nhất là mùa mưa lũ, nhưng nếu dừng lại thì bà con rất lo lắng vì không biết sẽ như thế nào?”

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, đây không phải là vấn đề chồng lấn ĐGHC. Bởi thực tế là một số hộ dân thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, đang xâm cư, xâm canh trên địa bàn xã Đăk Nên, theo hồ sơ ĐGHC đã được xác lập theo Chỉ thị 364 ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC tỉnh, huyện, xã. Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã có nhiều cuộc làm việc nhưng chưa giải quyết được dứt điểm.

Về việc đầu tư công trình dân sinh ở đây, lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho rằng, chính quyền địa phương ủng hộ việc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân tại khu vực các hộ dân của xã Trà Vinh đang sinh sống, sản xuất trên địa bàn xã Đăk Nên.

“UBND huyện Kon Plông nhận thấy đây là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện quy định của pháp luật về ĐGHC, dân cư, đất đai, đầu tư xây dựng;… Bởi lẽ, các công trình này được đầu tư trong phạm vi ĐGHC còn vướng mắc, khi chưa có ý kiến giải quyết chính thức của cấp có thẩm quyền. Do đó, huyện Kon Plông cho rằng, vấn đề này cần phải được bàn bạc, thống nhất giữa hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và cấp có thẩm quyền trước khi triển khai thực hiện” - ông Hà nói.

Thực trạng trên cho thấy việc chậm giải quyết dứt điểm chồng lấn ĐGHC đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực này. Do đó các cấp chính quyền giữa các tỉnh có ĐGHC chồng lấn cần nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dang dở công trình dân sinh