Những vụ án xôn xao dư luận liên quan đến sữa giả, thuốc giả gây hại cho người tiêu dùng và bệnh nhân còn chưa lắng xuống, thì xã hội lại phải thêm lo lắng bởi hàng loạt vụ việc thực phẩm “bẩn” mới bị phanh phui. Dĩ nhiên rồi, làm sao có thể yên tâm khi rất nhiều loại thực phẩm là nguyên liệu đầu vào cho bữa ăn hàng ngày bị phát hiện có chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe? Thật đáng sợ khi mà giờ đây người ta thậm chí phải cân nhắc trước mỗi bữa ăn để không bị nhiễm độc từ thực phẩm “bẩn”.
Mới đây, lực lượng Công an tỉnh Sơn La phối hợp với các đơn vị chuyên môn đã phát hiện, tiêu hủy tới 300kg rau, củ, quả có chứa hóa chất độc hại tại chợ đầu mối nổi tiếng thuộc bản Mé Ban (phường Chiềng Cơi, TP Sơn La). Chưa đầy một tháng trước, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện, xử lý 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh vì hành vi dùng hóa chất độc hại ngâm giá đỗ nhằm tăng năng suất, tạo mẫu mã đẹp bán ra thị trường. Còn nữa, những ngày qua dư luận xã hội cũng đang “dậy sóng”, “bàn ra tán vào” xung quanh câu chuyện lòng xe điếu. Có thể nói lòng xe điếu là món ăn khoái khẩu của khá nhiều người, nhưng lại vô cùng hiếm, bởi không dễ mà kiếm được. Những người từng hành nghề mổ lợn khẳng định rằng, có khi mổ thịt hàng nghìn con lợn mới may ra có một bộ lòng xe điếu. Ấy vậy mà hiện trên thị trường, tại các chợ lại đang bày bán ê hề lòng xe điếu, một số quán ăn chuyên bán lòng lợn còn tự hào về “đặc sản” lòng xe điếu của họ.
Chính vì sự hiếm của lòng xe điếu mà một đầu bếp nổi tiếng đã tuyên bố rằng, anh sẵn sàng tặng 1 tỷ đồng cho ai “trưng” ra được lòng xe điếu “xịn” (tức lấy từ lợn mới giết mổ). Anh khuyên người tiêu dùng dừng ăn món này vì thực chất nhiều nhà hàng cho hóa chất vào lòng thường “hô biến” thành lòng xe điếu, bán ra thị trường lừa dối khách hàng. Giờ mà khẳng định “kết luận” của vị đầu bếp nói trên đúng hay sai thì có vẻ quá sớm, bởi anh chỉ dựa vào cảm nhận trực quan, chứ không có cơ sở khoa học để chứng minh.
Đáng tiếc là tới giờ, khi mà dư luận xã hội đã “sôi lên sùng sục”, các cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc kiểm tra để làm rõ các hàng quán tại Hà Nội, TPHCM... đang bán lòng xe điếu thật hay “nhồi” phụ gia độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Phải tới khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận cuối cùng, lúc đó người tiêu dùng mới có thể yên tâm để quyết định tiếp tục dùng món ăn khoái khẩu này hay dừng lại. Từ nay cho tới lúc đó, có lẽ vẫn có người dám ăn lòng xe điếu, không biết sức khỏe của họ có bị nguy hại?
Tóm lại, suốt nhiều năm qua, câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ “nguội”, bởi nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của tất cả mọi người. Trong khi đó thực trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra ngày một nghiêm trọng, tinh vi khiến không chỉ khách hàng bị lừa, thậm chí còn “qua mặt” các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng. Câu hỏi đặt ra ở đây là những cá nhân, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không thể dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm “bẩn” do năng lực yếu, do cơ chế, hay do có sự “nhấm nháy” tiếp tay đây?
Để có thể triệt tiêu được vấn nạn thực phẩm “bẩn”, cần có các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đơn cử, nếu phát hiện cán bộ, chuyên viên năng lực yếu, để lọt thực phẩm “bẩn” thì cần thay ngay; nếu phát hiện có sự thông đồng giúp sức sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” thì cần xử lý nghiêm khắc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự; còn nếu vấn đề ở cơ chế thì cần tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Cần siết chặt cơ chế quản lý, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, để đảm bảo thực phẩm “bẩn” không có cơ hội lọt ra thị trường. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh tay theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ vô lương, bất chấp hậu quả, coi rẻ sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng để răn đe, phòng ngừa chung. Như vậy mới có thể hạn chế dần tiến tới chấm dứt vấn nạn thực phẩm “bẩn”.