Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 vừa được công bố tại Hội nghị trưc tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tổ chức ngày 1/12 cho thấy, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, viết, và toán học.
Phân tích kết quả chi tiết của Việt Nam cho thấy kết quả học tập của học sinh nữ Việt Nam tương đương với học sinh nam ở lĩnh vực toán học và đọc hiểu, nhưng ở lĩnh vực viết, học sinh nữ thành thạo hơn học sinh nam. Sự khác biệt khá lớn theo thống kê ở các mức điểm cao nhất (mức 5, 6 và 7).
Trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của con em. Cụ thể, cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì kết quả học tập của các con càng tốt.
Khoảng cách học tập của học sinh thành phố và nông thôn, theo đánh giá của SEA PLM, đã thu hẹp, gần như không còn sự khác biệt. Tuy nhiên, học sinh miền núi, vùng sâu xa vẫn còn khoảng cách khá xa với kết quả học tập của học sinh các vùng khác.
Khảo sát của Việt Nam với SEA PLM 2019 triển khai tại 150 trường với 832 giáo viên, 4.837 học sinh và 4.160 phụ huynh học sinh, chưa phải là ở tất cả các trường nhưng những kết quả được ghi nhận cho thấy những tiến bộ của giáo dục tiểu học Việt Nam nói riêng và nền giáo dục nước ta nói chung trong nỗ lực đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đã đạt được những thành công bước đầu đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhìn nhận hiện SEA PLM mới đánh giá ở các mặt vốn được coi là thế mạnh của học sinh Việt Nam, thể hiện qua nhiều kết quả đánh giá khác như PISA hoặc các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực chúng ta cũng có xếp hạng tốt. Trong khi đó, học sinh Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng khác cần tiếp tục được quan tâm và đưa vào chương trình giảng dạy các cấp.
Đơn cử như bơi lội là kỹ năng sống sót cần thiết đã được minh chứng trong thực tế nhưng ngay cả học sinh vùng lũ cũng nhiều em chưa biết bơi hoặc bơi chưa thành thạo dẫn đến nỗi lo đuối nước vẫn thường trực. Mặc dù ngành giáo dục nói riêng và các ban ngành chức năng khác đã quan tâm song vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà đến nay, việc phổ cập bơi trong trường học vẫn chỉ mới dừng lại ở việc khuyến khích các nhà trường, địa phương… chứ chưa thể triển khai ở tất cả các trường.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi như giảm số môn học, số giờ học và xuất hiện những môn học tích hợp, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh hình thành những năng lực, phẩm chất cần thiết của một học sinh thế kỷ 21, xa hơn là những công dân toàn cầu. Đó là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Để làm được điều đó, cần những thay đổi trước hết từ chính nhà trường, cụ thể là các thầy cô giáo trong việc truyền đạt, hướng dẫn, đánh giá học sinh trên quan điểm chấp nhận sự khác biệt của mỗi trò, thay vì gò ép tất cả theo một khuôn mẫu chung.