Đánh giá việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù

Thanh Nga 13/09/2023 20:36

Ngày 13/9, tại TP Pleiku (Gia Lai) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Toàn cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các nhà nghiên cứu đến từ Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ban Dân tộc, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá những kết quả đạt được đối với công tác cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Đây sẽ là cơ sở, căn cứ để phục vụ việc đánh giá toàn diện Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Bà Hà Thị Nga cũng khẳng định: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, công tác phụ nữ tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến mới cả về chất lượng và số lượng phụ nữ tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống chính trị tại các địa phương. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, sức sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu chung tại các địa phương. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác phụ nữ tại các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP, đặc trưng tiêu biểu của phụ nữ tỉnh Gia Lai.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất những nội dung, phương pháp mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động phụ nữ; những giải pháp đổi mới để thích ứng với bối cảnh hiện nay nhằm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; cơ chế cụ thể để tổ chức thực hiện các chính sách hiện có thật sự hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn thụ hưởng; những chính sách cần bổ sung, điều chỉnh về đào tạo nghề, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ xã hội… dành riêng đối với từng nhóm phụ nữ đặc thù, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề…

Trước đó, các đại biểu dự hội thảo đã dâng hoa, dâng hương tại Tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết; thăm hỏi, tặng quà 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thuê (SN 1926, phường Hoa Lư) và Mẹ Rơ Mah Myơr (SN 1931, xã Ia Kênh, TP. Pleiku); trao 50 suất quà cho 50 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Pleiku và huyện Đắk Đoa; Thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO