Thị trường giải trí đang tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt ở nhiều loại hình, thì sân khấu kịch cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Hàng loạt sân khấu gặp khó khăn thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do lượng vé bán ra ngày càng ít. Không ít sân khấu vẫn cố gắng sáng đèn với hy vọng rồi một ngày kịch nói sẽ trở lại thời hoàng kim...
Bức tranh ảm đạm
Ở phía Nam vì nhiều nguyên nhân khiến sân khấu kịch hiện nay không thể đều đặn sáng đèn, nên nhiều diễn viên phải đi đóng phim, quay quảng cáo để kiếm tiền trang trải cuộc sống. NSƯT Thành Hội - Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho biết, sắp tới sân khấu sẽ chấm dứt hoạt động diễn kịch định kỳ hằng tuần, thay vào đó chỉ diễn theo mùa. Có ba lý do phải thay đổi lịch diễn là thiếu trầm trọng kịch bản hay; khó xếp lịch diễn viên và không tìm được nguồn khán giả trẻ đến rạp.
Sân khấu kịch Việt Nam giai đoạn này, dù có những thành tựu nhất định, vẫn đang trong một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc và mang tính thời đại…
Đạo diễn Lê Quý Dương
Mới đây NSND Hồng Vân tuyên bố Sân khấu kịch Hồng Vân không còn diễn định kỳ và chuyển sang phương thức biểu diễn mới. Một trong những khó khăn là tiền thuê rạp tăng lên gấp rưỡi và nếu diễn hằng đêm không thể trụ nổi.
Tuy nhiên, NSƯT Trịnh Kim Chi hứa sẽ tiếp sức để sân khấu có thể tiếp tục sáng đèn. Sân khấu kịch Hồng Vân thành lập cuối năm 2000 đầu năm 2001. Suốt 22 năm hoạt động, bên cạnh những nghệ sĩ tên tuổi góp mặt trong những ngày đầu như: Minh Hoàng, Minh Nhí, Bảo Quốc, Anh Vũ, Đức Hải, Trịnh Kim Chi… sân khấu này chính là bệ đỡ cho nhiều nghệ sĩ trẻ trở thành ngôi sao.
Ở phía Bắc, các nhà hát cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua vì thiếu khán giả. NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhìn nhận, khán giả ngày nay dễ dàng tiếp nhận rất nhiều thông tin, loại hình giải trí trên nhiều phương tiện hiện đại, đã dẫn đến việc thay đổi thái độ, suy nghĩ và sự tiếp nhận của nhiều tầng lớp khán giả đối với kịch nói.
Đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới ITI/UNESCO cho rằng: “Sân khấu kịch Việt Nam giai đoạn này, dù có những thành tựu nhất định, vẫn đang trong một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc và mang tính thời đại như ở giai đoạn trước. Đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành hai khu vực.
Khu vực sân khấu kịch phía Bắc, với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu, kế hoạch và phục vụ cho các kỳ hội diễn. Khu vực sân khấu phía Nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ”.
Vượt qua khó khăn
Dù nhu cầu và thị hiếu của khán giả đã thay đổi nhiều, phải đương đầu với nhiều sóng gió và thử thách nhưng nhiều nhà hát vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn. NSƯT Xuân Bắc cho hay: “Chúng tôi luôn hướng về phía trước, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ”.
Còn NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ: “Đứng trước những thử thách, chúng tôi có những bước chuyển mình để khắc phục và thay đổi hiện trạng. Định hướng của Nhà hát trong hiện tại và tương lai là trở thành một Nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, Nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn”.
Cũng theo NSND Trung Hiếu, ngoài việc làm mới mình, không ngừng học hỏi sáng tạo, Ban lãnh đạo Nhà hát rất tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ (nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn cũng như các cán bộ nhân viên) cơ hội thể hiện năng lực bản thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để các nghệ sĩ trẻ, nhân tố trẻ được học tập, thực hành và trưởng thành trong quá trình lao động nghệ thuật.
Hiện nay một số nhà hát tích cực kết hợp dàn dựng những vở kịch kinh điển của nước ngoài. Một trong những kiệt tác tiêu biểu của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen đang được Nhà hát Tuổi trẻ triển khai là vở kịch “Hedda Gabler”. Đây là tác phẩm thách thức và khát khao dàn dựng đối với bất cứ nhà hát nghệ thuật nào trên thế giới, bởi nó chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc mang tính thời đại. Nhà hát Tuổi trẻ đã mời đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng cho vở diễn này với mục đích giao lưu, học hỏi nghệ thuật sân khấu nước bạn và phát triển khả năng của các diễn viên trẻ.
Trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng mạnh dạn hợp tác với Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Trường Đại học Australian Institute of Music của Australia xây dựng dự án nhạc kịch cho giới trẻ “Alice in Wonderland”, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế và nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài.
Ở lĩnh vực vốn không phải sở trường, không có nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch chuyên nghiệp, song Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn bước vào dự án táo bạo này, với không chỉ mong muốn đem lại chương trình đặc sắc và ý nghĩa cho khán giả Việt Nam mà còn coi đây là cơ hội để học hỏi, từ đó mở rộng, phát triển sân khấu.
Cần các biện pháp dài hơi
Để phát triển sân khấu kịch, kéo khán giả đến với sân khấu cần nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Ví như, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, có kế hoạch đào tạo khán giả tiềm năng; đào tạo tác giả, mở trại sáng tác theo hình thức mới hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao lưu sân khấu quốc tế, nhất là với các nước theo cơ chế thị trường để học tập, rút kinh nghiệm; đào tạo đạo diễn, diễn viên ở các nước có nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến; xây dựng cơ chế đặc thù cho nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng.
Nhiều nghệ sĩ cho rằng hai nguồn nhân lực “cung” và “cầu” có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sở dĩ nguồn “cầu” (khán giả trẻ) quay lưng lại với sân khấu là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Điều đó sẽ thay đổi khi nghệ thuật truyền thống được dạy cho học sinh từ khi tuổi còn nhỏ. Bởi khi được sống và học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được nâng cao theo thời gian. Nguồn “cầu” này sẽ là lượng khán giả tiềm năng chính trong hiện tại và tương lai của các nhà hát.
Cũng phải nói thêm rằng, kịch mục sân khấu cần đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả. Song, trong kịch mục của các đơn vị sân khấu hiện nay, đề tài hiện đại chiếm tỷ lệ chưa cao, chưa đáp ứng được về nội dung và cách thức thể hiện.
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, những tác phẩm sân khấu đề tài hiện đại luôn có sức hút với công chúng bởi sự gần gũi, đi vào những vấn đề, sự kiện đang diễn ra, được quan tâm trong đời sống.
Nhưng nhiều tác phẩm hiện nay chưa đi vào những vấn đề lớn, cấp thiết của đời sống hiện đại. Để khắc phục điều đó, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần đưa tác giả đi thực tế để có thêm chất liệu sáng tạo; tổ chức các cuộc liên hoan sân khấu, thi sáng tác kịch bản sân khấu đề tài hiện đại; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tác phẩm sân khấu để hấp dẫn khán giả…
Còn theo NSƯT Đỗ Kỷ, với tình trạng của sân khấu kịch nói hiện nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các tác giả đi thực tế ở các địa phương, các ngành nghề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Trong trại sáng tác nên có các buổi tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng sáng tác gồm những nhà viết kịch uy tín có nhiều tác phẩm chất lượng, những chuyên gia sân khấu trong và ngoài nước, những đạo diễn, họa sĩ đang hoạt động có hiệu quả ở các đơn vị.
Nhiều nghệ sĩ kiến nghị: Thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên ba năm một lần, tổ chức phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu có tính thử nghiệm để trao giải. Những kịch bản thử nghiệm được giải, Hội hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư dàn dựng (đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập) để có kinh phí chủ động tham gia liên hoan và đi biểu diễn phục vụ khán giả.