“Vòng xoáy tình thù” là bộ phim xưa đầu tiên do đạo diễn – NSƯT Nhâm Minh Hiền thực hiện. Bộ phim lên sóng từ ngày 15/4, trước đó, đoàn phim phải trải qua hơn hai tháng ghi hình tại Đà Lạt với nhiều gian nan và vất vả.
Bộ phim “Vòng xoáy tình thù” xoay quanh hành trình trả thù kéo dài nhiều năm của Trọng (Dũng Bino) - là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng nghèo làm thuê cho Điền chủ Thanh.
Cha Trọng bị bệnh nặng cần tiền chạy chữa, mẹ Trọng phải đến năn nỉ van xin Điền chủ Thanh cho vay tiền. Điền chủ Thanh (Mai Sơn Lâm) hứa giúp đỡ nhưng thực ra là để lừa gạt, cưỡng bức mẹ của Trọng phải ngủ với ông ta. Khi cha Trọng biết chuyện, ông căm giận bản thân mình và đuổi mẹ Trọng ra khỏi nhà. Mẹ Trọng vì đau khổ, uất hận đã nhảy xuống vực sâu tự vẫn.
Sau đó, cha Trọng tìm đến Điền chủ Thanh để trả thù nhưng rồi cuối cùng bị chết dưới tay ông ta và Năm Hổ. Trọng mồ côi cha mẹ được Tư Lượm nhận nuôi. Hai anh em Trọng và Tư Lượm có cùng mối thù với Điền chủ Thanh nên nương tựa và liên kết với nhau lên một kế hoạch trả thù công phu và tinh vi.
Nhiều năm sau, Trọng lúc này đã trở thành một chàng trai có học thức bắt đầu tiếp cận gia đình Điền chủ Thanh, từng bước thực hiện kế hoạch trả thù. Nhưng cũng lúc này anh lại vướng vào mối tình nghiệt ngã với 2 cô gái là Thùy Dung – con gái Điền chủ Thanh và Hương – vợ Tư của Điền chủ Thanh.
Trọng yêu Hương (Trúc Mây) nhưng lại tiếp cận Thùy Dung (Mai Tâm Như) vì kế hoạch trả thù. Trong lúc đó, Điền chủ Thanh vì muốn cưới Hương làm bà Tư nên sai người đốt rẫy bắp nhà Hương để dồn gia đình cô vào đường cùng.
Hương dù yêu Trọng nhưng vì thương cha mẹ và đền đáp ơn của Điền chủ Thanh nên chấp nhận lấy ông ta. Khi ông bà Ba Biện – cha mẹ Hương phát hiện ra mọi thứ là âm mưu sắp đặt của Điền chủ Thanh thì ông ta sai người giết luôn cả hai ông bà để bịt miệng.
Trọng và Hương không đến được với nhau nên Trọng quyết lấy được Thùy Dung, trở thành con rể Điền chủ Thanh để trả thù ông ta. Trọng cho Hương biết Điền chủ Thanh chính là người giết cha mẹ Hương và biến cô thành đồng minh trong kế hoạch của mình.
Hương vì căm thù mà đã lập mưu cho Điền chủ Thanh dùng thuốc phiện, thuốc an thần khiến ông ta chết dần chết mòn. Trong khi đó, Trọng tham lam và dã tâm hơn muốn hãm hại tất cả mọi thành viên trong gia đình Điền chủ Thanh, chiếm hết gia tài của ông ta. Vì sự mâu thuẫn trong suy nghĩ trả thù, Trọng và Hương ngày càng rời xa nhau.
Chủ đề trong phim “Vòng xoáy tình thù” không đi vào câu chuyện năm thê bảy thiếp tranh đấu thường thấy ở các bộ phim xưa, đó chỉ là cái cớ làm nền cho một câu chuyện hư cấu xảy ra trong một gia đình Điền chủ Thanh ở Blao và Đà Lạt vào thập niên 50.
Bộ phim là câu chuyện về tình yêu dang dở, có duyên nhưng không có phận. Yêu một người nhưng cuộc đời lại sắp đặt sống với người khác.
Dàn diễn viên chính đều là những gương mặt trẻ đầy tài năng như: Trúc Mây (Hương), Dũng Bino (Trọng), Mai Tâm Như (Thùy Dung), Kiều Trinh (Bà Vú), Mai Sơn Lâm (Điền Chủ Thanh), Phúc An (Bà Ba), Mỹ Dung (Bà Hai), Lê Mạnh Phương (Tư Lượm)…
Lần đầu làm phim về bối cảnh xưa, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết, phim được chuyển bối cảnh ghi hình toàn bộ lên vùng đất Đà Lạt cổ kính với kiến trúc Pháp thập niên 50 và nghề trồng trà xanh (trà cổ chứ không phải giống trà được trồng đại trà hiện nay), nghề khai thác cao su, xưởng gỗ.
“Đây không còn là một bộ phim về Nam Bộ xưa nữa mà hoàn toàn là Nam Tây Nguyên với rừng thông bạt ngàn và cuộc sống của một Điền chủ gia trang giàu có, thân Pháp. Đây là cuộc sống xa hoa giàu có của các chủ điền ngày xưa, có quyền cưới nhiều vợ, con đàn cháu đống, không phải là chuyện của ông bà Hội đồng Nam Bộ. Vì theo tôi, ông Hội đồng ở miền Nam Việt Nam có nhiều vợ là sai và ông Hội đồng là do Nhà chức trách người Pháp chọn ra, là người có trình độ cao và uy tín để đảm đương chứ không phải tự phong”, nam đạo diễn nói.
Làm phim có hoàn cảnh lịch sử thập niên 50, đạo diễn – NSƯT Nhâm Minh Hiền thừa nhận, việc hồi phục một cách tương đối các vùng trà cổ xưa ở B’Lao là khá khó khăn. Các căn nhà đường phố cũng là bài toán khó. Những căn nhà vùng Nam Tây Nguyên được dựng lại trong khu núi Voi, Đà Lạt để phù hợp với bối cảnh thập niên 50 khiến việc di chuyển của đoàn phim khá vất vả và mùa mưa thì vắt đeo hút máu cả đoàn.
Nam đạo diễn kể, để di chuyển máy móc vào núi Voi, anh cùng ekip chỉ có thể đi bộ khuân vác và sử dụng xe thồ thô sơ, phải ra vào nhiều chuyến, các nhân viên cũng là những người khuân vác bất đắc dĩ. Hầu như cả đoàn bị vắt bám tấn công. Các chị em hóa trang, phục trang, hiện trường cực kỳ vất vả khi phải di chuyển hơn 40 phút đường rừng trong điều kiện thời tiết giá rét và mưa dầm, sình lầy.